Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XV, Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn Tuyên Quang nêu ý kiến về vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đại biểu Âu Thị Mai, tình trạng trên tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng.
Có thể thấy, đây là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”, và đúng như Đại biểu Âu Thị Mai nêu ý kiến, trong thời gian qua, nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, tàn phá kinh tế xã hội, phá hoại cạnh tranh công bằng và gây ảnh hưởng rất xấu đến quyền lợi của các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh chân chính. Nó cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, quyền lợi của nhân dân - người tiêu dùng.
Bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế, vấn nạn trên còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là thực phẩm, đồ ăn, đồ uống… giả, kém chất lượng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm với những con số đáng báo động như Đại biểu Âu Thị Mai đã đề cập: Trong 8 tháng năm 2024, toàn quốc ghi nhận 77 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.164 người, 10 người tử vong, tăng 5 vụ (bằng 6,9%) so với cùng kỳ năm 2023.
Nhận thức rõ những vấn đề trên, thời gian qua lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành có trọng tâm trọng điểm, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường) |
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu và vi phạm an toàn thực phẩm trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tích cực kiểm tra và xử lý với tổng cộng 54.667 vụ được kiểm tra, trong đó phát hiện và xử lý 38.102 vụ vi phạm. Những con số này cho thấy sự quyết liệt trong việc kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm, đảm bảo sự ổn định cho thị trường trong nước.
Theo báo cáo, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý tổng số tiền lên đến 712 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, số tiền phạt vi phạm hành chính là 368 tỷ đồng, tăng 10%. Trị giá hàng hóa bị tịch thu là gần 168 tỷ đồng, tăng 11%, trong khi trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy đạt trên 176 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng mạnh đến 87%. Tổng số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ xử lý đạt 438 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước.
Theo lực lượng Quản lý thị trường, những năm gần đây, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyên sở hữu trí tuệ thường được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyền trên tuyến lưu thông để thấm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: Thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm... Các sản phẩm này không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyến đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Mới đây, tại buổi làm việc với 63 UBND các tỉnh/thành phố và Tổng cục Quản lý thị trường để đánh giá tình hình, kết quả công tác Quản lý thị trường 08 tháng 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những vấn đề cần phải giải quyết trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Bộ trưởng đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tập trung triển khai 9 nhiệm vụ; trong đó có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc nâng cao đạo đức, chuyên môn cho cán bộ quản lý thị trường như:
Tập trung đào tạo, đào tạo lại với cán bộ về mặt nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ sử dụng công nghệ thông tin và khả năng đấu tranh với vi phạm trên thương mại điện tử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tại các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo, điều hành và khuyến nghị của các bộ, ngành hữu quan để triển khai thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công việc…
Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống buôn lâu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… luôn được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công Thương… đặc biệt quan tâm. Lực lượng Quản lý thị trường luôn nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý, ngăn chăn vấn nạn này.
Từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu dùng hàng đang hóa tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng giả hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. Bởi thế, lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương đã và đang tích cực tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025… Đông đảo người dân đều mong rằng, với những biện pháp chủ động, quyết liệt của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ không còn là vấn đề "nóng".