CôngThương - Theo đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã thống nhất với Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại miền núi, định hướng thực hiện cho 6 tỉnh với số kinh phí rất là hạn chế, trên 5 tỷ đồng. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký quyết định phê duyệt chính thức đợt 2 là 16 đề án cho đưa hàng về khu vực miền núi nông thôn và các vùng khó khăn với con số 5,16 tỷ đồng.
Đề cập về ý kiến phương án chung, bà Oanh cho hay, Cục Xúc tiến thương mại cũng thống nhất với các kiến nghị của Bộ Công Thương và ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty về các phương án đề ra. Tuy nhiên, để quy trình xúc tiến thương mại quốc gia thực sự có hiệu quả, thì việc đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng từ trung ương, tới địa phương và doanh nghiệp. Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại miền núi, Cục Xúc tiến thương mại cũng phải phối hợp chặt chẽ với trung tâm xúc tiến thương mại các địa phương. Nếu có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương xuống các Sở Công Thương càng tạo sự thống nhất, tạo sức mạnh trong các chương trình xúc tiến thương mại. Hiện việc không ít trung tâm xúc tiến thương mại còn phối hợp chưa tốt với Sở Công Thương trong hoạt động nhiều chương trình. Do đó, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương phải đôn đốc sát sao các hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại. Đồng thời cũng cần có sự liên kết giữa các chương trình sử dụng kinh phí của ngân sách địa phương với kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia, để tăng hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao.
Nói về vai trò của việc lồng ghép chương trình xúc tiến thương mại, bà Nguyễn Hoàng Oanh cho rằng rất cần thiết làm việc này. Sở Công Thương các địa phương nên tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố việc lựa chọn những hoạt động nào, đề án xúc tiến thương mại nào được Bộ Công Thương xét duyệt, lồng ghép với chương trình kinh tế của địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.