Nhiều năm nay, dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Tại Nghệ An hiện có 20 dự án may đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động, chủ yếu là lao động ở nông thôn. Cùng với đó là 10 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để sớm đưa vào sản xuất.
Nhiều nhà máy dệt may được đầu tư trên địa bàn tạo việc làm cho lao động địa phương |
Trao đổi với PV báo Công Thương, ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An - cho rằng: Thực tế, sản phẩm dệt may của Nghệ An đến thời điểm này chủ yếu là gia công xuất khẩu, giá trị gia tăng thấp, công nghiệp hỗ trợ cho ngành như sản xuất nguyên, phụ liệu, thiết bị, đào tạo nghề, thiết kế... phát triển chưa cao, thị trường xuất khẩu chủ yếu sang các nước Trung Đông, châu Phi...
Đến thời điểm này, Nghệ An có 26 DN xuất khẩu dệt may đi 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng xuất khẩu sang thị trường châu Âu chỉ mới có 2 DN, với kim ngạch rất khiêm tốn, chỉ đạt hơn 11 triệu USD, chiếm 7% kim ngạch dệt may. DN dệt may hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, phản ánh sự mất cân đối khi chúng ta mới tham gia công đoạn cắt may thuê là chính, bởi DN chưa có lực để đầu tư các trang thiết bị hiện đại, chiếm nguồn vốn lớn, hiệu quả hoạt động không cao.
Cũng theo ông Tuấn, để phát triển nguyên phụ liệu, tỉnh Nghệ An cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này, có những ưu đãi về vốn, đất đai, thuế...
Ông Hoàng Minh Tuấn cho biết thêm: Tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may của các DN Nghệ An sang EU là rất lớn. Trong bối cảnh dịch Covid-19, dệt may Nghệ An vẫn tăng trưởng khá ổn định, dự ước đến cuối tháng 8/2020 dệt may XK đạt 192 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Thời gian tới, riêng về thị trường xuất khẩu, các DN tại địa phương nên mở rộng tìm kiếm những thị trường mới ngoài thị trường truyền thống như: Trung Đông, châu Phi, Mỹ, Trung Quốc, Nga…
Công nhân trong dây chuyền sản xuất đơn hàng xuất khẩu của Công ty may Minh Anh (Nghệ An) |
Mới đây, sau Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành với chủ đề “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA", tỉnh Nghệ An có kế hoạch xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA. Theo đó, xây dựng nhiệm vụ cụ thể, lộ trình, dự kiến kinh phí triển khai kế hoạch của Chính phủ thực hiện EVFTA trên địa bàn.
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết: Lộ trình để đẩy mạnh xuất khẩu dệt may của Nghệ An sang EU đang được ngành Công Thương xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó, xây dựng nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương.
Về phía các DN cần nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa sang thị trường, quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp để tham gia chuỗi cung ứng của EU... Ngành Công Thương mong tỉnh Nghệ An quan tâm quy hoạch khu công nghiệp dành cho các DN ngành dệt nhuộm làm nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may để đảm bảo tiêu chí xuất xứ; quan tâm công tác xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung - cầu cho các DN dệt may Việt Nam tại thị trường EU.
Để hỗ trợ DN thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, tỉnh Nghệ An mong muốn các ngành chức năng quan tâm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA, trong đó chú trọng việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho DN, giúp DN nâng cao hiểu biết, chủ động trong việc sản xuất hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ hiệp định.
Đồng thời, Bộ Công Thương tăng cường công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thị trường EU; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU...