Mới đây, nhóm ngân hàng niêm yết có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường như VCB, Vietinbank, BIDV và MB đã công bố sơ bộ về số liệu kết quả kinh doanh 2014. Điều đáng ghi nhận là hầu hết đều đạt chỉ tiêu tại Đại hội đồng cổ đông, song đặc biệt, đã rõ nét một vài “ông lớn” với các chỉ tiêu tăng trưởng bền vững, làm cơ sở vững chắc cho việc tăng tốc trong năm 2015, năm được dự báo tình hình kinh tế - xã hội chắc chắn sẽ khởi sắc.
Với tổng tài sản đạt 655 nghìn tỷ đồng, mặc dù chưa phải con số tuyệt đối cao nhất trong các NHTMCP song BIDV lại đứng đầu về tốc độ tăng trưởng tổng tài sản cao nhất trong 03 năm trở lại đây là 18%. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng thể hiện sự duy trì, ổn định và tăng trưởng bền vững. Về mức độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống tăng trong đó, dư nợ tín dụng của 4 ngân hàng có mức vốn hóa lớn nhất có mức tăng trung bình 18%, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành là 12,62% (tính đến ngày 22/12/2014). Đặc biệt, BIDV là ngân hàng có quy mô dư nợ tín dụng cao nhất đạt 460 nghìn tỷ đồng. Còn trong lĩnh vực huy động vốn, mức trung bình của 4 ngân hàng tăng 20% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng huy động toàn ngành là 15,15% (tính đến cuối tháng 12). Vietinbank có quy mô huy động vốn cao nhất đạt 596 nghìn tỷ đồng.
Về tỷ lệ nợ xấu, với nỗ lực giảm tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành, 4 ngân hàng đều có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trong đó BIDV giảm từ 2,3% xuống còn 1,8%, và VCB giảm tỷ lệ nợ xấu so với 2013 từ 2,7 xuống còn 2,3%. Một lần nữa cùng với VCB, BIDV được đánh giá là có chính sách tín dụng thận trọng và tuân thủ tương đối chặt chẽ các quy định phân loại tài sản.
Với 2.835 tỷ đồng thu dịch vụ ròng năm 2014, tăng 18,4% so với năm 2013, BIDV chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong các ngân hàng có quy mô thu dịch vụ ròng dẫn đầu thị trường. Việc duy trì tỷ trọng Thu dịch vụ ròng/Tổng thu nhập lãi cao là một tín hiệu tích cực thể hiện việc đa dạng hóa nguồn thu nhập, đồng thời đây cũng là xu hướng phát triển trong kinh doanh ngân hàng hiện đại. |
Về lợi nhuận trước thuế, trong khi Vietinbank tiếp tục dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt 7.300 tỷ đồng mặc dù đang có xu hướng giảm kể từ 2012; VCB và MB có lợi nhuận giảm nhẹ thì BIDV lại gây ấn tượng với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 20% so với năm 2013, đạt 6.065 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong khi các ngân hàng khác đối mặt với vấn đề ROE suy giảm trong những năm gần đây thì tỷ lệ ROE của BIDV cao và khá ổn định qua các quý, quanh mức 13-14%. Kết thúc năm 2014, ROE của BID là 14,4%, ở mức cao nhất kể từ năm 2011, cao hơn VCB và Vietinbank lần lượt là 10,5% và 10,4%.
Về tăng trưởng tín dụng bán lẻ, lĩnh vực được coi là đang cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay trên thị trường, lần đầu tiên trong 3 năm, BIDV có tốc độ tăng trưởng đạt 37%, huy động vốn bán lẻ có tốc độ tăng trưởng đạt 20%, đảm bảo cân đối hơn 51% nền vốn ổn định cho toàn hệ thống BIDV. Dịch vụ bán lẻ tăng trưởng tốt, đạt 24%; tỷ trọng thu dịch vụ bán lẻ/tổng thu dịch vụ đạt 21%; nền khách hàng cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đạt mốc gần 6,5 triệu hàng khách hàng…