Diễn đàn Mekong lần thứ X: Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Việt Nam - mắt xích quan trọng trong hành lang kinh tế GMS
Diễn đàn Mekonglà hoạt động thường niên do Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) tổ chức với sự ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Diễn đàn đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đối thoại về chính sách, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác phát triển kinh tế của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong Tiểu vùng Mekong mở rộng |
Phát biểu tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đã khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong Tiểu vùng Mekong mở rộng. Theo TS. Nguyễn Hà Phương - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Với lợi thế về mọi mặt và sự nỗ lực hợp tác không ngừng, Việt Nam ngày càng có vị trí nổi bật trong việc kết nối các quốc gia trong GMS, bao gồm cả kết nối cứng và kết nối mềm.
Không chỉ đóng vai trò trong việc kết nối cứng và kết nối mềm trong GMS, Việt Nam còn là đối tác thương mại và đầu tư lớn của các nước GMS. Những lĩnh vực có triển vọng chủ yếu mà Việt Nam có thể hợp tác với các nước trong khối gồm: Giao thông vận tải; năng lượng; thương mại và đầu tư; nông nghiệp, du lịch.
Về vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các nước Tiểu vùng Mekong, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho biết: Việt Nam là nước vừa tiếp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, vừa đầu tư ra nước ngoài, trong đó các nước Tiểu vùng Mekong chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã đầu tư vào 4 nước Tiểu vùng Mekong gồm: Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan với 549 dự án còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký 8,53 tỷ USD, chiếm tới 87% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào các nước ASEAN.
Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN cũng tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp |
Đầu tư của Việt Nam vào các nước Tiểu vùng Mekong tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: Khai khoáng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng và bảo hiểm; bất động sản; bán buôn và bán lẻ…
Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9/2022, 4 nước Tiểu vùng Mekong đã đầu tư vào Việt Nam 707 dự án với tổng đầu tư 13,23 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 668 dự án có tổng vốn đăng ký 13,1 tỷ USD.
Đầu tư của các nước Tiểu vùng Mekong vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí, nước; kinh doanh bất động sản; bán buôn và bán lẻ; nông lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn
Theo TS. Mai Huy Tân - Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững Mekong (MEKONG CESDI): Nông nghiệp là một trong những thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) nói riêng và các quốc gia Tiểu vùng Mekong nói chung. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các quốc gia trong vùng hiện đang đối mặt với biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, tại Diễn đàn, TS. Mai Huy Tân đã đưa ra 2 mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp gắn với năng lượng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long đó là Tổ hợp kinh tế tuần hoàn AGINE trong ngành trồng và chế biến lúa gạo, kết hợp chăn nuôi và năng lượng xanh; và Tổ hợp kinh tế tuần hoàn GREENDEVI trong ngành chăn nuôi, thủy sản, gắn với năng lượng xanh.
Phân tích cụ thể về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của 2 tổ hợp này cho thấy: 2 tổ hợp có thể đem lại tổng doanh thu 38.800 tỷ đồng/năm, tương đương 1.612 triệu USD/năm; tổng số công ăn việc làm mới được thu hút làm việc tại 2 tổ hợp kinh tế tuần hoàn là 3.000 lao động/năm được đào tạo nghề miễn phí để trở thành công nhân kỹ thuật; tổng số nông dân được đào tạo mới miễn phí để canh tác hữu cơ trên diện tích vùng nguyên liệu 9.600ha khoảng 34.000 nông dân/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ 330 - 400 triệu đồng/ha/năm; giảm phát thải khí nhà kính: 4.890.000 tấn CO2/năm.
Gợi ý về hợp tác trong nông nghiệp ở các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng, TS. Trương Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp - cho rằng: Cần phải thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi giống, lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sinh kế để thích ứng với biến đổi khí hậu và tận dụng lợi thế khác biệt mùa vụ. Cùng với đó, tìm kiếm thị trường mới, cải tiến kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích áp dụng các chứng chỉ chất lượng như GAP, phát triển đồng bộ PGS, chứng chỉ hữu cơ. Quản lý thương mại xuyên biên giới tốt hơn, điều phối hài hòa hoạt động xuất khẩu để mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân mà vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế.
Đồng thời, cải thiện đào tạo, giáo dục, tăng cường năng lực, nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường trong nước và giữa các nước. Xây dựng các biện pháp khuyến khích để giảm tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững, đặc biệt là ngăn chặn việc khai thác quá mức cát sông, động, thực vật thủy sinh, cấm các biện pháp khai thác tận diệt. Hợp tác chặt chẽ trong chia sẻ thông tin và điều phối sử dụng nước sông Mekong, huy động hỗ trợ hợp tác lưu vực. Giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo vệ rừng và lớp phủ thực vật để giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học.
Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN cũng tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và triển lãm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, có uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia. |