Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã có những phiên họp để thảo luận và ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác điều hành kinh doanh xăng dầu.
Một số yếu tố hiện đang tác động đến giá xăng dầu trong nước:
Thứ nhất, tình hình xung đột giữa Liên bang Nga và Ukraina vẫn tiếp tục căng thẳng và khó lường; cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới khiến cầu của mặt xăng dầu ngày càng tăng, trong khi đó nguồn cung xăng dầu trên thế giới đã khan hiếm thì ngày càng khan hiếm thêm vì vậy giá đã tăng lại tiếp tục tăng thêm.
Thứ hai, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn. Thêm vào đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến khó lường, kể cả trong trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định thì cũng không hỗ trợ được việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước do cũng phải nhập khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu thành phẩm.
Trên cơ sở các đánh giá, phân tích Ban cán sự đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, chú trọng bảo đảm nguồn cung thông qua chỉ đạo các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng nhập gấp 3 lần bình thường để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn;
Hai là, thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gồm doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương; đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Ba là, giao chỉ tiêu nhập bổ sung cho 10 doanh nghiệp đầu mối và định kỳ kiểm tra việc nhập khẩu để đảm bảo không để thiếu hụt nguồn cung trong bất kỳ tình huống nào.
Bốn là, sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu
Trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới biến động, để không gây ra đột biến thiếu hàng hoặc biến động lớn về giá các mặt hàng khác Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng hợp lý, tiết kiệm tiêu dùng xăng, dầu trong sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần nhận thức một cách đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm sử dụng xăng, dầu để đề ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ trong thực hiện. Bộ Công Thương cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các đơn vị sử dụng năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng để đảm bảo việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí. Ðối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần quan tâm chỉ tiêu tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Ðây cần được coi là một nội dung của việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Từng sản phẩm cần được xây dựng lại định mức kinh tế - kỹ thuật về chỉ tiêu sử dụng xăng, dầu. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện giữa các dây chuyền sản xuất, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí xăng, dầu. Cùng với các giải pháp tiết kiệm bằng kỹ thuật, giải pháp bắt buộc cần tuân thủ, một yêu cầu đặt ra đối với mỗi người là tự giác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu, bảo đảm mọi hoạt động trong các cơ quan, đơn vị vẫn diễn ra bình thường.
Năm là, tiếp tục điều hành giá theo Nghị định số 95/2021/ND-CP ngày 01/11/2021
Ban cán sự đảng Bộ Công Thương cũng đã giao Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác có liên quan tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình thế giới về mặt hàng xăng dầu để kịp thời tham mưu phương án ứng phó phù hợp; Tăng cường kiểm tra, đánh giá, điều hành một cách tổng thể để đảm bảo nguồn cung, nguồn dự trữ xăng dầu cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế đất nước trong mọi tình huống; Cần đánh giá chính xác nguồn cung trong nước và nhu cầu sử dụng thực tế để có phương án nhập khẩu bù đắp thiếu hụt hợp lý; Việc điều hành giá xăng dầu cần theo hướng tiệm cận giá thế giới và tiến hành rà soát thường xuyên để kịp thời báo cáo sự biến động giá xăng dầu với Chính phủ.
Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, Ban, ngành liên quan, nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí (Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế bảo vệ môi trường), các loại chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu (lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam…) để có cơ hội ghìm tốc độ tăng giá trong bối cảnh diễn biến không thuận của giá xăng dầu thế giới./.