Quảng Nam đã phát triển tốt thành phố sinh thái Hội An
CôngThương - Triển khai chiến lược Quốc gia về TTX, tăng trưởng nhanh và bền vững là định hướng chung của Quảng Nam từ năm 2015-2020. Tại Diễn đàn Đầu tư “Quảng Nam hướng tới tăng trưởng xanh”, ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Chúng tôi đang làm quyết liệt để phát triển của Quảng Nam gắn với môi trường sinh thái”.
“Chiến lược phát triển tỉnh Quảng Nam, cơ hội cho TTX”, sản phẩm của dự án do Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-Habita) hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển đã lồng ghép khung chiến lược của tỉnh này với TTX. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển của Quảng Nam bao gồm khó khăn, thách thức và cơ hội. Quảng Nam biệt lập nhưng có cực tăng trưởng là Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất, đặc biệt là kinh tế biển, là tiềm năng để Quảng Nam phát triển ngành du lịch cũng như hạ tầng. Do đó, TS Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình UN-Habitat tại VN - nhấn mạnh,
vai trò nhà nước trong việc tạo điều kiện để nguồn lực của khu vực nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân và các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với nhau, song “quan trọng nhất là lấy con người làm trung tâm”.
Phân tích về một số thách thức đối với TTX Quảng Nam, UN-Habita cho rằng, khung chiến lược của Quảng Nam có 10 vấn đề. Đó là những vấn đề về giảm tỷ lệ nghèo, huy động vốn hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực, quản lý phúc lợi xã hội, phát triển hạ tầng bền vững, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, chênh lệch vùng miền, phát triển du lịch và liên kết đô thị với nông thôn. Từ những vấn đề này, UN-Habita đưa ra 5 định hướng để từ đó xác định các giải pháp chiến lược, hướng đến công nghiệp hóa có hiệu quả, đặc biệt là phát triển các cụm ngành nghề, lấy đô thị làm động lực phát triển nông thôn.
Giai đoạn 2013 - 2020, để TTX và phát triển bền vững, Việt Nam cần hàng tỷ USD để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng… nhưng lại thiếu chính sách thu hút nguồn lực. |
Quảng Nam có tiềm năng du lịch lớn, nhưng việc có số lưu chú cao, những sản phẩm du lịch thích đáng và nâng giá trị gia tăng... đang là những khoảng trống lớn. Như vậy, phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, song điều này đòi hỏi sự cam kết rất lớn của chính quyền trung ương trong việc hỗ trợ các tỉnh nghèo như Quảng Nam. Một vấn đề nữa rất quan trọng, nếu công nghiệp hóa không bền vững sẽ ảnh hưởng đến du lịch và ngược lại.
Gắn vấn đề tăng trưởng xanh với các định hướng, giải pháp cụ thể, UN-Habitat chú trọng việc lấy đô thị để làm động lực phát triển nông thôn, phát triển các cụm ngành đô thị và thông qua các đô thị này để tạo ra các sáng kiến về TTX, thực tế hóa các chủ trương chính sách bằng hành động… Theo ông Quang, hiện nay Quảng Nam đã phát triển Thành phố sinh thái Hội An và Thành phố xanh Tam Kỳ, đặc biệt là công nghiệp xanh tại Khu kinh tế mở Chu Lai, vì vậy, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ cũng phải hướng tới bảo vệ môi trường, tận dụng những cơ hội liên kết vùng, gắn kết tạo ra mối liên hệ chặt chẽ đối với Đà Nẵng cũng như khai khác tiềm năng phát triển du lịch ở khu vực này.
Ghi nhận những phân tích, giải pháp về TTX và bền vững của UN-Habitat cho Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh cam kết: “Rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ để tăng cường năng lực lãnh đạo trong phát triển kinh tế xanh”.