Khó khăn lớn nhất thực hiện mục tiêu bình đẳng giới là nhận thức trong toàn xã hội |
Nhiều thành tựu đáng khích lệ
Vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm ngay từ ngày thành lập nước. Năm 2006, Quốc hội Việt Nam khóa XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới, quy định các nguyên tắc, nội dung bình đẳng giới và các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, và chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tăng cường bình đẳng giới. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020.
Trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã đánh giá, chiến lược và chương trình quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam tập trung triển khai ở những vùng và khu vực có tình trạng bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao; từ đó góp phần đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng giới trong phạm vi cả nước.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong thực tiễn thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ và được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tình trạng bất bình đẳng giới của Việt Nam đã được cải thiện nhanh, thể hiện ở các chỉ số phát triển giới (GDI), chỉ số khoảng cách giới (GGI) và chỉ số bất bình đẳng giới (GII) đều ở mức trung bình cao trong các quốc gia tham gia xếp hạng.
Ngoài ra, một số kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, như: trong lao động tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam ở mức khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ thấp hơn nam; số lượng và tỷ trọng lao động nữ trong tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tăng khá nhanh trong thời gian gần đây, là cơ hội tốt cho lao động nữ nông thôn thoát nghèo và chuyển đổi việc làm ra khỏi khu vực nông nghiệp…
Trong chính trị, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 25%. Số nữ đại biểu giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Quốc hội đã tăng lên trong những khóa gần đây, đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Còn trong gia đình, khoảng cách về thời gian làm việc không được trả công (làm việc gia đình) của lao động nữ và lao động nam ở Việt Nam đang ngày càng được rút ngắn, thấp hơn một số quốc gia khác trên thế giới.
Bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng
Tuy nhiên, dù có những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nhưng thực tế phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều thua thiệt so với nam giới.
Bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - cho hay, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thực hiện bình đẳng giới, là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia có khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới tốt trên thế giới. Cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày càng tiến bộ và phát triển. Bên cạnh gia đình, phụ nữ đã có tiếng nói, sự phát triển trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Song theo bà Bùi Thị Hòa, bất bình đẳng giới, định kiến giới vẫn tồn tại, đặc biệt là tư tưởng “trọng nam hơn nữ” trong xã hội, quan điểm “nam trưởng, nữ phó” còn tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ.
Mặt khác, nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội và bản thân người phụ nữ còn hạn chế. Không ít người vẫn coi bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ. Chính cách tiếp cận như vậy đã đặt người phụ nữ luôn ở vị trí yếu thế hơn nam giới. “Để cải thiện tình trạng này, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho toàn xã hội là rất quan trọng. Bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng, tạo cơ hội cho cả hai giới cùng phát triển chứ không phải ưu tiên cho phụ nữ” - bà Hòa cho hay.
Tuy vậy, để thực hiện bình đẳng giới, bà Bùi Thị Hòa cho rằng, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó: Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới về chỉ số khoảng cách giới (GGI) không ổn định và đang có xu hướng tụt giảm liên tục những năm gần đây; thách thức từ biến đổi khí hậu, trong đó, người nghèo, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất; cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến những cơ hội cho phụ nữ nhưng nhiều dự báo cho thấy lao động nữ làm những công việc giản đơn, trong những nghề có tiền lương thấp sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm do sự thay thế công nghệ nhất; thiếu số liệu thống kê có tách biệt giới…
Bên cạnh những thách thức đó, khó khăn lớn nhất của quá trình này vẫn là vấn đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho toàn xã hội. Bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: Định kiến giới, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại dai dẳng trong xã hội đã tạo ra những rào cản đối với sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ; còn một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn vẫn tự ti, cam chịu; trong gia đình, phụ nữ vẫn được trông đợi là người thực hiện công việc chăm sóc con cái, người thân; các dịch vụ hỗ trợ gia đình chưa được quan tâm phát triển đúng mức là khó khăn, thách thức lớn đối phụ nữ để có thể đảm nhiệm được các vai trò trong gia đình và ngoài xã hội…
Bên cạnh hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc gia, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các công ước quốc tế liên quan đến quyền con người và bình đẳng giới; Chính phủ Việt Nam luôn nhận thức, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những kết quả đạt được. |
Công bố báo cáo đánh giá tác động 5 giải pháp về bình đẳng giớiBáo chí cần chuyển tải mạnh mẽ thông điệp về bình đẳng giới Ngành Công Thương- Thúc đẩy tiến bộ và bình đẳng giới |