Bộ Công Thương thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 'Chuyến bay màu hồng' của Vietnam Airlines chung tay vì bình đẳng giới Vai trò của bình đẳng giới trong chuỗi cung ứng toàn cầu |
Nhằm nâng cao nhận thức mọi mặt cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đơn vị trong ngành Công Thương đã và đang chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới.
Nhiều hoạt động thiết thực
Nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định sự quan tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ngày 29/11/2006,Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Tiếp đó, ngày 27/4/2007, Nghị quyết số 11NQ/TW (Nghị quyết số 11) của Bộ Chính trị khóa X về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ra đời đánh dấu sự quan tâm lớn của Đảng đối với phụ nữ và công tác phụ nữ.
Trong 17 năm qua (2007 - 2024), triển khai Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực về quyền bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành, thể hiện bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch hành động, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, hàng năm, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; đầy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên toàn ngành Công Thương.
Phụ nữ ngành Công Thương "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Ảnh: Cấn Dũng |
Đáng chú ý, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Công đoàn Công Thương Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới; nghiên cứu, xây dựng và phát triển nhiều chương trình; tổ chức hoạt động, chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng. Đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc Bộ đã quan tâm, chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Cùng đó, các phong trào thi đua được phát động trong toàn ngành Công Thương nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về văn hóa công sở, đạo đức công vụ; thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại; cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh.
Công tác tư vấn, hỗ trợ cho phụ nữ tại cơ quan, đơn vị thông qua Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban Nữ công, tổ chức công đoàn các cấp đã được chủ động triển khai, tích cực, qua đó kịp thời bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ; đồng thời góp phần nâng cao ý thức, nhận thức cho phụ nữ, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy dân chủ cơ sở, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới
Bộ Công Thương cũng thực hiện nghiêm quy định việc lồng ghép vấn đề giới, bình đẳng giới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, năm 2023, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc “không phân biệt nội dung thời gian đảm nhiệm chức vụ đối với nam và nữ đối với quy định người được phong hàm Đại sứ” tại đề xuất xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao.
Định kỳ hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành Chương trình làm việc của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó, có kể hoạch kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ về tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Theo đó, năm 2023, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra 8 đơn vị thuộc Bộ nhằm nắm bắt tình hình hoạt động công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và đôn đốc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực phụ nữ, trẻ em, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và đưa ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả của công tác. Đến nay, Bộ Công Thương chưa phát hiện những vi phạm hành chính về bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đến mức phải xem xét xử lý.
Trước những kết quả tích cực đã đạt được, năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách lao động nữ và bình đẳng giới. Thúc đẩy kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị thuộc Bộ. Tích cực phối hợp tham gia xây dựng chế độ, chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối công tác bình đẳng giới, lao động nữ. Quan tâm xây dựng đội ngũ nữ cán bộ, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nữ, nâng cao tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về “tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua lao động giỏi, chủ động sáng tạo nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc trong toàn ngành nói chung và nữ công chức, viên chức, người lao động nói riêng…