Doanh nghiệp bán lẻ “bắt tay online”
Mới đây, phần mềm quản lý bán hàng online Sapo Go đã chính mở thêm cổng kết nối với Sàn thương mại điện tử Tiki. Sapo Go là nền tảng quản lý và bán hàng online dành riêng cho các nhà bán hàng trên Facebook và sàn thương mại điện tử. Việc hợp tác giữa Sapo Go và Tiki sẽ mang tới tiện ích cho những nhà bán lẻ trên sàn thương mại điện tử, tiết kiệm thời gian quản lý vận hành gian hàng trực tuyến, giảm chi phí và nguồn nhân lực. Mục tiêu chung của hai đơn vị là tạo ra giá trị cho khách hàng, mở rộng thị trường và gia tăng tiềm lực kinh doanh.
Trước đó, Báo cáo thường niên 2019 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Cục đã tiếp nhận hồ sơ về tập trung kinh tế giữa Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo) và Công ty Cổ phần Tiki. Tiki có thế mạnh trong việc tự doanh, hàng hóa có thương hiệu với bộ phận Tiki Trading, nhưng không mạnh trong khoản kết nối các shop bán hàng, dẫn đến hàng hóa Tiki kém đa dạng hơn so với các đối thủ còn lại. Trong khi đó, Sendo rất mạnh trong việc tạo sàn kết nối các bên, nhưng lại gặp khó trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Do vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc sáp nhập sẽ giúp hai công ty bổ trợ nhau, phát huy được thế mạnh của mình.
Sapo Go mở cổng kết nối với Sàn thương mại điện tử Tiki |
Mua sắm trực tuyến đang trở thành hình thức được người tiêu dùng ưa chuộng. Xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến tạo ra cơ hội lớn cho các DN đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến. Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia bán lẻ - nhận định, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và lĩnh vực tiêu dùng xã hội ở các nước. Tới đây sẽ là giai đoạn của bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và bán hàng online, do đó, sự hợp tác của DN trong nâng cao sức cạnh tranh ở mảng bán hàng trực tuyến đã nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng.
Xu hướng mua hàng trực tuyến được dự báo chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, kênh trực tuyến sẽ tồn tại song song chứ khó có thể thay thế hoàn toàn các điểm bán trực tiếp. Bên cạnh các thương vụ “bắt tay” giữa DN bán lẻ online với nhau, dự báo sẽ có nhiều “cú bắt tay” hơn nữa giữa những nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp để tạo ra hệ sinh thái đa kênh, như trường hợp các siêu thị và nhà cung cấp kết hợp với nền tảng phân phối trực tuyến như hiện nay.
Thị trường bán lẻ với gần 100 triệu dân có sức mua rất lớn. DN nào nhanh chân, mạnh hơn sẽ vượt qua, nắm lợi thế trong cuộc cạnh tranh phục vụ thị trường. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - khuyến cáo, dù triển khai theo phương pháp nào, DN muốn phát triển được bền vững, phải sở hữu nguồn cung hàng hóa chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ minh bạch. Các DN cũng phải hiểu sâu khách hàng mục tiêu, tái định vị thương hiệu trong lòng khách hàng mới, thiết kế hành trình của khách hàng mới và thay đổi kênh bán hàng cũng như cách tiếp thị phù hợp...
Yếu tố quan trọng nhất để nâng sức cạnh tranh trên thị trường là DN cần tính toán để xây dựng các chuỗi sản xuất, kinh doanh bền chặt hơn, sẵn sàng cung cấp cho khách hàng hóa và dịch vụ tốt nhất. |