Cơ hội lớn và thách thức cũng không nhỏ
Hiệp định EVFTA là một trong những hiệp định thế hệ mới lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia. Theo dự kiến, hiệp định này sẽ sớm được phê chuẩn để chính thức đi vào thực thi trong năm 2020. Đây là cơ hội tốt để DN Việt Nam tăng tính cạnh tranh, phát triển kinh doanh và khẳng định vị thế DN Việt trên thương trường thế giới.
Hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sẽ sớm được thông qua” |
Bà Nguyễn Sơn Trà - Phó Trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, cho biết: EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Trong đó, hiệp định cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên, củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược toàn diện và bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Chi nhánh VCCI TP. Hồ Chí Minh, trong khu vực ASEAN, độ mở kinh tế của Việt Nam chỉ sau Singapore, nhưng năng lực hội nhập, cạnh tranh, còn thấp, Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế, ở mức trung bình. Trong đó, năng lực cạnh tranh thể chế xếp thứ 94/140, năng lực cạnh tranh DN 101/140. Vì thế đứng trước các cơ hội mà EVFTA có thể mang lại, cần độ sẵn sàng của cộng đồng DN, các cơ quan quản lý. Các DN Việt Nam cần chủ động trong việc chuẩn bị đón bắt những lợi thế từ EVFTA.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - cho biết, theo khảo sát của PCI năm 2018 mức độ hiểu biết của DN về EVFTA chỉ có khoảng 1,55% các DN đã tìm hiểu tương đối kỹ (65% có nghe nói nhưng chưa tìm hiểu kỹ, 12% DN lần đầu biết đến, 21% DN đã tìm hiểu sơ qua một vài thông tin). Như vậy có thể thấy, các DN cần phải nghiên cứu kỹ hiệp định này để tìm được điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Cơ hội lớn cho các DN là học hỏi được nhiều trình độ cũng như năng lực quản trị, công nghệ, qua đó cải thiện điều kiện sản xuất.
DN cần chủ động để tận dụng cơ hội
EVFTA nếu được thực thi sẽ giúp DN tăng kim ngạch xuất khẩu ở những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... với thuế suất về 0%. Các DN sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, tuy nhiên để tận dụng cần phải chuẩn bị, tính toán và nắm rõ các quy định mà FTA yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường.
Trong giai đoạn hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện siết chặt quản lý và tăng cường kiểm tra, rà soát xuất xứ hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty xuất khẩu để ngăn ngừa những hành vi gian lận thương mại ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời các DN Việt Nam cũng cần chủ động, xây dựng kế hoạch kinh doanh hợp lý trung hạn và dài hạn, đặc biệt chú ý đến quy trình sản xuất sạch, an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, từ phía các DN cần có sự nắm bắt thông tin nội dung của hiệp định, tìm kiếm cơ hội thị trường cho hàng hóa xuất khẩu để có sự chuẩn bị trong sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu. Thực tế cho thấy EU là một thị trường khó tính, khách hàng luôn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này. Nếu không đạt chất lượng, ngành hàng đó sẽ bị kiểm tra gắt gao, thậm chí sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU vĩnh viễn.