Bảo |
Đông đảo DN FDI tham gia cuộc đối thoại với cơ quan BHXH |
Theo thống kê, hiện tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN khối DN FDI là hơn 51 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng số thu của khối DN. Dự kiến, hết tháng 12/2016 tổng số nguồn thu này là hơn 69 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2015. Riêng tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN của khối DN FDI là hơn 2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng số phải thu.
Tại hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN giữa BHXH Việt Nam với các DN FDI được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện BHXH Việt Nam đánh giá, các DN FDI đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH. Ngoài ra, do đặc thù, lực lượng lao động của các DN chủ yếu là lao động trẻ nên các chế độ BHXH hưởng chủ yếu là chế độ ốm đau, thai sai, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe.
Tuy vậy, theo đại diện BHXH Việt Nam, bên cạnh những DN FDI chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về bảo hiểm vẫn còn một số DN cố tình trốn, chậm đóng. Nguyên nhân được cho là hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn, một số DN giải thể, ngừng hoạt động, đặc biệt là DN mà chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam. Mặt khác, một số DN còn chiếm dụng vốn từ các khoản thu bảo hiểm của người lao động để đầu tư vào mục đích khác, không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ). Ngoài ra, một số DN không kết nối thông tin với cơ quan BHXH.
Ngược lại phía các DN trong quá trình thực hiện các quy định của Luật BHXH 2014 họ cũng gặp không ít khó khăn cần được ngành BHXH quan tâm và gỡ vướng kịp thời. Chị Đào Thị Thu Huyền - đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam phản ánh, tại Khoản 2, Điều 2, Luật BHXH 2014 quy định NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, chỉ có thể áp dụng quy định này đối với lao động nước ngoài đến từ các nước mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chung về BHXH.
Luật này cũng quy định bắt buộc tham gia BHXH đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng. Tuy nhiên, đối với những DN thường xuyên có biến động lao động sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý sổ BHXH, nhất là sẽ làm gia tăng chi phí và nhân lực của DN. Bởi, thông thường phải mất khoảng một tháng NLĐ mới được cấp sổ BHXH, trong khi họ có thể nghỉ việc trước khi được nhận sổ BHXH.
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - cho hay, với tinh thần cầu thị BHXH Việt Nam sẽ tích cực lắng nghe ý kiến đóng góp, phản hồi của các DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, sẽ giúp đề xuất các giải pháp, hoàn thiện chính sách, nhằm phục vụ DN ngày càng hiệu quả hơn.
Trước mắt, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của DN FDI, đồng thời tạo thuận lợi cho các DN này trong việc thực hiện chính sách chế độ BHXH, BHYT, BHTN, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, ngành này đang triển khai một số giải pháp, cụ thể: Tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, niêm yết công khai, thông tin, thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến… Tăng cường ban hành quy trình giao dịch điện tử, thanh tra, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, kiểm tra thực hiện cải cách thủ tục hành chính…