Làm chủ công nghệ ngành cơ khí chế tạo: Cần gỡ rào cản về chính sách Cách nào tạo dựng thị trường cho ngành cơ khí Việt Nam? |
Gặp khó trong mở rộng thị trường
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cập nhập đầu tháng 9/2024 cho thấy, tình hình kinh tế nước ta sau 8 tháng năm 2024 tiếp tục có những bước tiến tích cực. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò nền tảng, là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, với mức tăng 9,7%, đóng góp 8,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trong năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, tăng 39,3% so với năm 2022, trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án, chiếm 33,7% và điều chỉnh vốn, chiếm 54,8%.
Kết quả thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo năm qua cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi của ngành tại Việt Nam. Chưa kể, những năm gần đây, nhiều tỉnh thành phía Bắc có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng đột phá đi kèm với các công nghệ, giải pháp cho sản xuất bền vững, giảm thiểu chất thải và nhiên liệu, nguyên liệu nhằm xây dựng nhà máy thông minh, hiện đại.
Việt Nam đang có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp cơ khí, chiếm 30% số doanh nghiệp chế biến chế tạo. Ảnh: K.L |
Những kết quả trên đã minh chứng cho sự nỗ lực của toàn ngành, song theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp cơ khí, chiếm 30% số doanh nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, thực tế, hiện các doanh nghiệp ngành này chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp và khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Lý giải thêm về nguyên nhân, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, một phần do thị trường trong nước, doanh nghiệp cơ khí không có được nhiều thị phần. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm. Những ràng buộc trong cơ chế đấu thầu khiến cho nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể tham gia được vào các dự án, công trình trong nước và thua thiệt ngay trên sân nhà. Phần lớn nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế về mặt công nghệ.
Tìm kiếm thị phần từ đổi mới công nghệ
Để vượt khó, trong bối cảnh khó khăn chung, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí đã thay đổi kế hoạch và chiến lược kinh doanh, đặc biệt chú trọng đầu tư vào công nghệ để có thể tồn tại và phát triển. Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của thị trường, triển lãm quốc tế về ngành cơ khí như MTA Vietnam và MTA Hanoi đã mang những công nghệ sản xuất tiên tiến, thông minh và bền vững đến gần hơn với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, vừa qua, tại Hà Nội, Triển lãm quốc tế lần thứ 10 về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo - MTA Hanoi 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, cơ khí chế tạo tại các tỉnh phía Bắc tiếp cận với những thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng thời thúc đẩy quan hệ giao thương.
MTA Hanoi 2024 là phiên bản đặc biệt của chuỗi triển lãm MTA dành riêng cho thị trường miền Bắc, được tổ chức hàng năm tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, quy tụ hơn 90 nhà trưng bày trên tổng diện tích 4.000m2, đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ... nhằm mang đến cơ hội hợp tác giao thương cho các doanh nghiệp ngành cơ khí cũng như mở ra cơ hội để đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực cơ khí có thể cập nhật các xu hướng mới nhất trong ngành, thông qua chuỗi hội thảo được dẫn dắt bởi những chuyên gia hàng đầu.
Cũng theo đại diện VAMI, triển lãm này không chỉ tạo điều kiện để các nhà sản xuất quảng bá sản phẩm và công nghệ mới của họ, mà còn giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất cho dây chuyền sản xuất.
Các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới tại MTA Hanoi 2024. Ảnh: Moit |
Bên cạnh sự đầu tư vào công nghệ, theo Bộ Công Thương, để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp ngành cơ khí cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển, những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tận dụng linh hoạt hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thúc đẩy xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng gợi mở, hiện nay ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Đây là những phân ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu hoặc phục vụ doanh nghiệp FDI với vai trò của công nghiệp hỗ trợ, tức là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Đây là mảng thị trường doanh nghiệp cần tập trung hướng tới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác. Việc này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí có dư địa để phát triển.