Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú (bên phải) và ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - điều hành Hội nghị |
Bày tỏ mong muốn được các tham tán hỗ trợ, ông Phạm Hoàng Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Lâm - cho biết, hiện công ty đang xuất khẩu gạo sang thị trường chính là châu Phi, tuy nhiên thị trường này phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi tập quán mua bán của châu lục này là thanh toán chậm, không biết thanh toán qua LC... Do đó, nếu không thận trọng, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rất dễ bị lừa và gặp khó khăn. Dẫn chứng cụ thể, ông Lâm cho biết, năm 2013 công ty có xuất khẩu một lô hàng gồm 80 container gạo, sau đó đã bị thu giữ tại Gana trong 6 tháng do hãng tàu sử dụng bộ vận đơn giả để chiếm đoạt. Mặc dù công ty đã gửi đơn kiện tới tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh, nhưng tới nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết, gây thiệt hại rất nhiều cho DN. Ông Lâm đề nghị các tham tán thương mại tại châu Phi có hướng hỗ trợ cụ thể cho DN.
Ông Phan Minh Thông – Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh - đề đạt, gần đây xuất khẩu đi châu Âu gặp nhiều vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu, xuất phát từ vấn đề trồng trọt. Vì thế 3 năm qua hồ tiêu Việt Nam gặp nhiều vấn đề khi xuất sang châu Âu, Canada. DN đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có giải pháp hỗ trợ, tuy nhiên rất cần các tham tán thương mại có hỗ trợ thêm.
Đại diện Công ty Phước Thành Bảy Mập (TP.Hồ Chí Minh) đồng quan điểm mong muốn được tham tán thương mại tại Hoa Kỳ hỗ trợ thông tin về thị trường gạo cũng như chất nào sẽ bị cấm khi xuất qua thị trường này. Hiện nay, công ty này đang xuất khẩu gạo sang Hoa Kỳ nhưng hiện không biết chất nào có quy định cấm không được phép. Do vậy quá trình xuất khẩu rất tốn kém cả về thời gian và tiền bạc bởi hàng xuất đi phải chờ hải quan nước bạn kiểm tra xem có đạt chuẩn hay không mới được lưu thông.
Bà Tô Tuệ Lang - Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Thủy sản Bình Thuận - thông tin, hiện nay quá trình xin cấp C/O để xuất khẩu dù đã được rút ngắn nhưng vẫn mất 3 ngày, gây khó khăn cho DN khi gửi chứng từ tới khách hàng và cần được rút ngắn hơn. Ngoài ra, thủy sản là một ngành đặc thù đòi hỏi quá trình bảo quản đông lạnh đảm bảo khi xuất khẩu nên các DN đều mua bảo hiểm cho đơn hàng song khi gặp sự cố các công ty bảo hiểm đưa ra rất nhiều lý do và DN thường chịu thiệt, ít khi được bồi thường. Bà Lang cho rằng, Bộ Công Thương và các tham tán nên có hướng hỗ trợ cụ thể cho DN.
Ngoài việc cần hỗ trợ giải quyết thông tin thị trường, hỗ trợ các khúc mắc trong quá trình xuất khẩu, nhiều DN cũng cho biết đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới.
Đông đảo các DN khu vực phía Nam tham dự Hội nghị Tham tán thương mại năm 2016 tại TP.Hồ Chí Minh |
Ông Vũ Hải Hà - Giám đốc một DN xuất nhập khẩu tại TP.Hồ Chí Minh - lo lắng, để các DN phát triển, hội nhập với kinh tế thế giới thì việc làm cần thiết là phải đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, các DN Việt Nam, nhất là những DN vừa và nhỏ rất khó khăn trong tiếp cận công nghệ mới, do đó các tham tán phải là “điệp viên” về công nghệ cho DN để có cơ hội phát triển.
Ngoài những thắc mắc trên, nhiều đại diện DN, hiệp hội, ngành hàng cũng nêu các vướng mắc liên quan đến việc cung cấp thông tin thị trường hay vai trò của các tham tán.
Liên quan đến những câu hỏi, đề xuất của các DN, Tham tán công sứ Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Đào Trần Nhân khẳng định, năm 2015 Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại, tạo rất nhiều cơ hội cơ xuất khẩu các ngành công nghiệp, thương mại. Cụ thể, về hiệp định TPP với Hoa Kỳ, Việt Nam hiện xuất khẩu giày dép nhiều vào thị trường này và phải đóng một khoản thuế rất lớn (trên 445 triệu USD). Khi TPP thực thi, các dòng thuế này sẽ lập tức giảm về 0% ngoại trừ một số ít mặt hàng giảm giá dần theo lộ trình. Dù được hưởng lợi về thuế song ông Nhân cho rằng, các DN Việt Nam cần chú trọng yêu cầu luật vệ sinh an toàn thực phẩm, trong những lần xuất khẩu đầu tiên, DN cần lưu giữ hồ sơ sản xuất để đảm bảo hàng sản xuất đảm bảo chất lượng, đăng ký với FDA để đảm bảo chất lượng kinh doanh...
Theo Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Phạm Trung Nghĩa, trên nguyên tắc, các tham tán sẽ trả lời tất cả các thông tin, thắc mắc của DN, tuy nhiên có những câu hỏi không được trả lời ngay mà phải nghiên cứu, ngoài ra do lực lượng tham tán tại các thị trường mỏng. Ông Nghĩa cũng cho hay, hiện nay vai trò của các hiệp hội còn chưa thể hiện rõ bởi ngoài Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản và Hiệp hội Da giày thường xuyên cập nhật thông tin cho các tham tán, thì các hiệp hội khác đều không làm được điều này. Đề nghị các hiệp hội cần cung cấp thông tin nhanh, cụ thể hơn cho tham tán để họ có thể nắm bắt và nhanh chóng giải đáp những vướng mắc mà DN đang gặp phải.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, cơ cấu tham tán hiện nay chia làm 2 nhóm lớn gồm nghiên cứu chính sách nước sở tại và xúc tiến thương mại, vì thế, các tham tán đang bị "quá tải". Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình đề án phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại, qua đó tham tán sẽ được hỗ trợ nhiều hơn và công tác hỗ trợ DN sẽ do cơ quan xúc tiến thương mại chủ trì.
TIN LIÊN QUAN | |