Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài?
Nếu không làm tốt, không có những chiến lược để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam chống lại việc lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường lớn, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Luật sư Trần Thanh Hà - CEO Công ty SBLaw đã có những chia sẻ với Vuasanca xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, từ kinh nghiệm thực tế, ông có đánh giá gì về xu thế, đặc điểm điều tra áp dụng phòng vệ thương mại hiện nay? Mức độ cũng như các tác động tiêu cực của các biện pháp này đang đặt ra những nguy cơ và thách thức gì đối với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam?
Chúng ta thấy xu hướng hiện nay, ngoài việc áp dụng các biện pháp chống phòng vệ thương mại, thì biện pháp chống lẩn tránh cũng được diễn ra, đặc biệt, trong bối cảnh có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một xu hướng khác là do việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với các doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ tăng, vì vậy các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách lẩn tránh bằng cách dịch chuyển sản xuất hoặc gian lận xuất xứ hàng hoá sang Việt Nam. Vì vậy, dưới góc nhìn của các cơ quan quản lý về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU lại cho rằng Việt Nam là một nơi để các doanh nghiệp khác lợi dụng, ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu của Việt Nam và hình ảnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, chúng ta bị đưa vào những danh sách đen và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận cũng như việc doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường như Hoa Kỳ, EU, mà đây đều là thị trường rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Luật sư Trần Thanh Hà - CEO Công ty SBLaw |
Trên thực tế, khi tiến hành điều tra một vụ việc phải công bố các số liệu và phải làm việc với luật sư ở Việt Nam cũng như luật sư ở các nước sở tại, để hợp tác với các cơ quan điều tra đó nhằm cung cấp thông tin. Nếu chúng ta không cung cấp thông tin cho họ thì rõ ràng chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.
Theo kinh nghiệm làm việc của tôi thì thấy, một vụ việc chống lẩn tránh phòng vệ thương mại hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại mà đưa ra điều tra, chi phí luật sư cho các nước sở tại cũng lên tới hàng triệu USD và rõ ràng nó ảnh hưởng đến nguồn lực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Nếu chúng ta không làm tốt, không có những chiến lược để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam chống lại việc lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường lớn thì cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến chiến lược của quốc gia Việt Nam, bởi vì chúng ta là nền kinh tế mở và việc chúng ta ký được tới 17 FTA cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và hàng rào thuế quan được bằng không.
Nếu bây giờ người ta lại áp dụng mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu Việt Nam hoặc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, thì làm giảm nỗ lực của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng đang khó khăn như hiện nay, tìm một thị trường, một đối tác xuất khẩu là rất khó mà chúng ta không giữ được vì áp dụng biện pháp lẩn tránh thì tôi nghĩ rất đáng tiếc.
Ông đánh giá gì mức độ quan tâm, hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp về biện pháp điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại? Để tránh các thiệt hại, rủi ro các doanh nghiệp cần làm gì để ứng phó và phòng tránh bị kiện?
Từ kinh nghiệm tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp, tôi thấy doanh nghiệp Việt Nam và các hiệp hội cũng đã quan tâm, nhưng thường khi mà xuất khẩu hàng hóa vào thì quan tâm đến thị trường giá cả và thuế xuất nhiều hơn. Thường quan tâm đến giữa Việt Nam với các quốc gia đấy có ký FDA và mình có lợi thế gì hay không? Chứ chưa nghĩ ngay đến biện pháp phòng vệ thương mại rồi lẩn tránh các biện pháp này và chỉ khi có biện pháp từ phía khởi xướng hoặc có tin đồn từ phía các cơ quan áp dụng thì họ mới đi tìm tư vấn hoặc liên hệ với các cơ quan liên quan như Đại sứ quán hoặc Bộ Công Thương để tìm hiểu.
Có một khó khăn đối với doanh nghiệp, hiệp hội Việt Nam, do quy định của pháp luật nước ngoài khác với Việt Nam, khi đó bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải liên hệ với luật sư của nước sở tại có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để họ tư vấn và chi phí tư vấn tương đối cao, đôi khi vượt quá khả năng chi trả của một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm nữa, đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là với hiệp hội hiện nay ngoài việc quan tâm đến thị trường xuất khẩu, thì việc quan tâm đến các biện pháp phòng vệ thương mại ở các quốc gia đó cũng rất quan trọng.
Việc xây dựng một hướng dẫn, một nghị quyết cập nhật được tình hình này trong bối cảnh Việt Nam đang hưởng lợi nhiều từ hoạt động chiến tranh thương mại, các dòng dịch chuyển nhà đầu tư vào cũng rất quan trọng. Đây là việc mà doanh nghiệp, Chính phủ cũng như hiệp hội cần quan tâm để làm sao tránh cho Việt Nam bị vướng vào những vụ kiện phòng vệ thương mại và bị áp mức thuế cao ảnh hưởng đến thị trường, thị phần xuất khẩu.
Sản phẩm thép Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các vụ điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại - Ảnh: TTXVN |
Dự báo, xu hướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp diễn trong những năm tới, vậy, theo ông các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Công Thương cần có các giải pháp, chế tài cụ thể nào nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại?
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước cũng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, trong thời gian vừa qua đã xây dựng luật quản lý ngoại thương, các đề án, Nghị quyết của Chính phủ… đây là việc rất cấp thiết và quan trọng.
Trong thời gian tới, việc hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt vấn đề chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp Việt Nam khi đối mặt ở nước ngoài là rất quan trọng. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định, đặc biệt là nâng cao các chế tài đối với các hành vi gian lận về xuất xứ và lẩn tránh phòng vệ thương mại cũng được đề ra trong đó có các biện pháp về hành chính.
Ngoài ra, trong đề án thì vai trò trung tâm của Bộ Công Thương được đặt ra việc phối hợp với các cơ quan khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc chính quyền các địa phương, các hiệp hội, Bộ Công an cũng phải được tăng cường. Trong thời gian tới, sự chủ động của Bộ Công Thương, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng trong nắm bắt thông tin, xử lí vụ việc có nguy cơ đối với Việt Nam cũng rất quan trọng.
Ví dụ, một phán quyết của một cơ quan, một quốc gia người ta áp dụng cho các quốc gia khác thì Bộ Công Thương cũng nên lấy đó làm dữ liệu, thông tin quan trọng để cung cấp cho các hiệp hội của Việt Nam và biết đâu chúng ta cũng có rủi ro vào trong trường hợp đó để chúng ta có sự chuẩn bị rất quan trọng. Có sự thông tin, giới thiệu những đối tác có thể hỗ trợ bởi vì việc áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu diễn ra ở nước ngoài.
Bộ Công Thương trong vai trò là cơ quan đầu mối, có nguồn lực mạnh cần kết hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện về thương mại của Việt Nam ở nước ngoài trong việc đẩy mạnh cung cấp thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Việc các quốc gia có thể thay đổi các quy định về các biện pháp áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và chống lẩn tránh, các cập nhật này Bộ Công Thương cũng có thể thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau để cung cấp cho các hiệp hội, kịp thời tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp trong nước để kịp thời ứng phó.
Xin cảm ơn ông!