Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Phương Dy |
Triển vọng từ TPP
Trong phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Mỹ TPHCM đánh giá thành công nhất từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 là lĩnh vực thương mại. Cụ thể cách đây 20 năm thương mại song phương hai nước chỉ chừng nửa tỉ USD thì gần đây đạt tới 35 tỉ USD và dự kiến trong năm nay lên đến 40 tỉ USD.
“Từ số 0 lên 500 triệu USD và từ 500 triệu USD lên 40 tỉ USD, cho thấy mối quan hệ giao thương Việt Nam-Hoa Kỳ phản ánh sống động lòng tin lẫn nhau. Các nhà hoạch định chính sách của hai quốc gia đã xây dựng lòng tin chiến lược, tôi nghĩ trên nền tảng đó chúng ta ngồi đây phần lớn làm kinh tế vi mô, cần thực hiện “lòng tin chiến thuật”, ông Châu nói.
Bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM dẫn chứng cho những thành tựu ngoại giao song phương của hai nước mới đây, đó là chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Hoa Kỳ và hội kiến với Tổng thống Barack Obama. Theo Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư Việt Nam sang thăm chính thức Hoa Kỳ và hai nước đã ra thông cáo chung ghi nhận những thành tựu chung trong định hướng phát triển.
“Mối quan hệ giữa hai nước sẽ càng tăng khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn thiện và kiến tạo một khu vực kinh tế bao trùm 40% nền kinh tế thế giới”, bà Rena Bitter kỳ vọng.
Cho biết về quan tâm của Việt Nam tới TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, dù kinh tế Việt Nam có quy mô khiêm tốn nhất trong 12 nước tham gia TPP, nhưng TPP được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại động lực phát triển cho quan hệ hai nước.
Dưới góc nhìn của một doanh nhân, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn thép Hoa Sen cho biết: “Tôi đến diễn đàn này mang theo một dự cảm đầy tham vọng nhưng có cơ sở, đó là trong 20 năm tới Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam và Hoa Sen sẽ là một trong những thương hiệu hàng đầu đưa hàng công nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ”. Ông Vũ cũng tự tin thị trường Hoa Kỳ sẽ đón nhận sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.
Đại diện cho các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, một mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng nhanh thời gian qua, ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dù khó khăn nhưng cho đến nay Hoa Kỳ vẫn là thị trường số 1 của hàng dệt may Việt Nam. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu dệt may với 23 tỉ USD giá trị.
"Khi chúng ta tổ chức Hội thảo này thì cũng có tin vui là tỉ phú thứ 200 của Hoa Kỳ, ông Wibur Ross đã quyết định đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam”, ông Ân cho hay.
Giáo dục là lĩnh vực quan tâm của Hoa Kỳ
Hiện nay số lượng sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập và nghiên cứu ngày càng tăng. Nếu năm 1995 chỉ có 800 sinh viên thì nay đã lên đến 17.000, đứng thứ 8 trong số các cộng đồng sinh viên nước ngoài du học tại Hoa Kỳ. Sự hợp tác giáo dục hai nước cũng đã được nâng tầm cao mới khi Đại học Fulbright Việt Nam được khai trương, hứa hẹn sẽ là trường đại học phi chính phủ, phi lợi nhuận theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam.
Theo bà Rena Bitter, Trường Đại học Fulbright sẽ kết hợp phương pháp giảng dạy và học thuật của Hoa Kỳ với một giáo trình lấy Việt Nam làm trọng tâm. Đây sẽ là một trong những biểu tượng trong quan hệ hai nước thời gian tới.
Đại diện các DN Việt-Mỹ chia sẻ bàn tròn tại hội thảo. Ảnh: VGP/Phương Dy |
Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam cũng đưa ra các dự báo về 20 năm tới của giao thương Việt Nam-Hoa Kỳ. Ông kỳ vọng các trí thức trẻ trong nước sẽ đặt nền tảng cho các quan hệ hợp tác nhiều chiều, trên tất cả các lĩnh vực mà hai nước quan tâm.