Doanh nghiệp xuất khẩu: Chủ động ứng phó thách thức
7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 216,35 tỷ USD với mức tăng tới 16,1% so với cùng kỳ năm trước.Tuy nhiên, trong bức tranh xuất khẩu, vẫn còn những gam màu sáng - tối đan xen, buộc doanh nghiệp phải chủ động hơn để đạt mục tiêu vào cuối năm.
Là ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trưởng cao, 7 tháng đầu năm, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi đạt kim ngạch 6,6 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, do các thị trường xuất khẩu đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam.
Xuất khẩu dệt may dự báo gặp khó khăn trong thời gian tới |
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - chia sẻ, mặc dù nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành vẫn ở mức cao, song kể từ tháng 7/2022, thị trường thế giới, cụ thể là EU và Mỹ, đã có những tín hiệu chậm lại bởi lạm phát. Xuất khẩu thủy sản vì thế cũng "dè dặt" hơn trong việc tính toán lại nhu cầu thị trường cũng như phương hướng sản xuất phù hợp để tránh bị tồn kho. Không chỉ vậy, ngành thủy sản cũng đang đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu, phải thu mua giá cao nhưng vẫn không đảm bảo sản xuất.
Trong khi đó, với ngành dệt may, nếu như 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng của ngành đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021 thì sang tháng 7, tăng trưởng của ngành hàng này chỉ đạt 0,4%. Ông Phạm Xuân Trình - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam - thừa nhận rằng, trong 6 tháng đầu năm, dệt may đã tăng trưởng rất tốt nhưng nửa cuối năm sẽ khó khăn. Ngoài ra, chuỗi cung ứng logistics thế giới 2 năm nay bị ảnh hưởng dịch nên đường di chuyển của hàng hóa chậm hơn, kéo theo nhiều hàng xuất đi gần đây mới tới nước nhập khẩu. "Do hàng tới chậm, tồn kho nhiều, các nhà phân phối hàng hóa phải giải quyết số hàng này và lượng đặt hàng cũng chậm lại" - ông Trình nói.
Với ngành gỗ, sau những tháng tăng trưởng cao, tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III/2022 được tổ chức mới đây, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Đáng lưu ý, có tới 71% doanh nghiệp cho biết, đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
Trước những thuận lợi đan xen khó khăn hiện nay, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có các biện pháp ứng phó riêng. Với ngành dệt may, ông Phạm Xuân Trình cho biết, doanh nghiệp buộc phải xây dựng kế hoạch linh hoạt đáp ứng theo từng thời kỳ ngắn chứ không xây dựng chiến lược dài hạn nguyên năm hay 6 tháng.
Ở lĩnh vực thủy sản, nhiều doanh nghiệp đã xoay sở bằng cách tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng xuất khẩu nhằm thay thế những thị trường đang sụt giảm. Đối với vấn đề nguyên liệu, doanh nghiệp chủ động thu mua từ nhiều nguồn khác nhau nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đầu vào, phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan.
Theo các doanh nghiệp, ngành hàng, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang chịu nhiều tác động của xung đột chính trị, biến động nguồn cung nguyên liệu và đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay, hành động của Bộ Công Thương rất kịp thời, bởi qua các cuộc giao ban này, họ sẽ nắm được thông tin thị trường, chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu và năng lực tham gia của doanh nghiệp .