Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp không nên cạnh tranh bằng mọi giá Phòng vệ thương mại: Khuyến nghị nên biết về thị trường Peru |
Báo Đầu tư có bài viết “Doanh nghiệp xuất khẩu thắng nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại”. Phản ánh ý kiến của ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: Xuất khẩu gia tăng đi kèm tăng số vụ việc phòng vệ. Song năm 2021 cũng ghi nhận nhiều vụ Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá, Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Canada, Australia, Ấn Độ…
Việt Nam đã chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu trong nước; nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho nền kinh tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu thông qua xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Tạp chí Doanh nhân Việt Nam có bài viết “Bộ Công Thương: Xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ sẽ phục hồi mạnh”. Thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ có nhiều bước tiến song vẫn tồn tại một số rào cản như: Tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng, công nghệ cao vẫn còn thấp; phòng vệ thương mại; khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển; lạm phát…
Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang châu Mỹ cần khảo sát sức mua, thị hiếu, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường để xác định đích đến của sản phẩm và có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm bắt các chính sách thương mại, ưu đãi thuế quan và thị hiếu tiêu dùng tránh tình trạng bị trả lại hàng vì lý do kỹ thuật hoặc không được hưởng ưu đãi thuế quan vì không đáp ứng đủ điều kiện.
Báo Công Thương phân tích các cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo của Việt Nam qua bài viết “Cơ hội nào cho xuất khẩu gạo trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu?”.
Bài viết phản ánh nhìn nhận của chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa: Cơ hội xuất khẩu gạo hiện nay đang rất cao, qua dịch Covid-19, qua cuộc chiến tranh vừa mới xảy ra đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực của thế giới rất lớn. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu gạo và thể hiện vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Thế nên đây là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu nhiều.
Thứ hai, ngoài nhu cầu gạo là nhu cầu chung thì còn có một số quốc gia đòi hỏi gạo chất lượng cao. Chúng ta cũng đã từng được chứng nhận gạo ngon nhất thế giới (ST25), thì đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện nay, các đơn hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang rất nhiều nhưng cũng chưa kịp đáp ứng hết nhu cầu thị trường.
Cùng với xuất nhập khẩu, lĩnh vực thị trường, cụ thể là giá xăng dầu tiếp tục thu hút sự quan tâm, phản ánh của các trang báo.
Báo Thanh niên có bài “Giá xăng có thể về 23.000 đồng/lít nhờ bỏ thuế?”. Theo tính toán, riêng việc bỏ hẳn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, giá xăng trong nước hiện nay sẽ giảm được hơn 9.000 đồng/lít. Một lít xăng “gánh” hơn 9.400 đồng tiền thuế.
Báo VNBuisiness đặt câu hỏi qua bài viết “Bỏ quỹ bình ổn xăng dầu liệu có 'ổn'?”. Bài viết nêu ý kiến của Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn: Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay của Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền để bình ổn giá cho mình, trong khi thông lệ các nước không làm như vậy.
Phó Tổng Thư ký VCCI đánh giá, với cách quản lý này nên xăng dầu trong nước chưa vận hành theo cơ chế thị trường minh bạch và dễ tiên liệu, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới. Có tình trạng giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng nhanh hay chậm theo mong muốn của nhà điều hành. Ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm tương ứng vì bị neo giá trong nước ở mức cao, lấy thặng dư này để bù vào âm Quỹ. Điều này chưa phù hợp với thị trường.
Vuasanca trên báo Người lao động có bài “Giảm thuế xăng dầu: Đừng chần chừ nữa!”. TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, thẳng thắn: "Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu với tất cả các ngành kinh tế và đời sống người dân, không phải mặt hàng xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đến 10%. Điều này là quá phi lý! Cần giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đầu tiên, giảm xuống mức thấp nhất có thể, thậm chí loại bỏ sắc thuế này khỏi cơ cấu giá xăng dầu".
Theo ông Phương, vì thuế phí chiếm tỉ trọng không nhỏ trong cơ cấu giá xăng dầu nên ngoài việc cấp bách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt bởi tính chất bất hợp lý của nó thì tất cả sắc thuế còn lại như thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cũng đều cần được xem xét giảm thêm.