Thực tế, năng suất lao động tại Việt Nam hiện nay còn thấp, các biện pháp về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho lao động để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng tầm. Về công tác giáo dục các chuyên đề như quản lý nhà nước, doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp là hết sức cần thiết nhưng lại không có đủ kinh phí để đầu tư công nghệ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai đã giúp cho các trường nghề tiếp cận với các chương trình đào tạo mang tầm quốc tế. Sau 3 năm, dự án đã hỗ trợ chuyển giao 34 bộ chương trình của Úc và Đức. Cụ thể, những người tham gia khoá học được trải nghiệm những kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới. Giáo viên giảng dạy cũng được chuẩn hóa kỹ năng thuyết giảng, đổi mới cấu trúc chương trình GDNN từ tách biệt lý thuyết và thực hành sang đào tạo theo hình thức tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp. Trang thiết bị được đầu tư theo chương trình đào tạo, giúp học sinh có cơ hội thực hành, thực tập trên máy móc hiện đại, phù hợp với thực tế sản xuất.
Đổi mới phương thức giáo dục nghề nghiệp giúp cải thiện chất lượng lao động |
Cùng với đó, việc công nghệ thông tin đã được áp dụng triệt để trong quản lý, hoạt động dạy và học đã giúp cho một số trường thực hiện số hoá, mô phỏng hoá các chương trình đào tạo theo các phần mềm tiên tiến trên thế giới. Việc này vừa giúp bài giảng sinh động, thực tế hơn và giúp người học hứng thú với học tập, tiếp thu nhanh hơn với việc khai thác hình ảnh trực quan, thông tin mới cập nhật… đồng thời còn góp phần giảm chi phí đầu tư, vật tư thực hành...
Đại diện Ban quản lý GDNN cho biết, nhờ việc triển khai dự án, đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN cũng không ngừng được đào tạo, chuẩn hóa. Trong 3 năm thực hiện Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, 1.200 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng trong nước về nghiệp vụ sư phạm GDNN, khoảng 15.000 giáo viên được đào tạo theo tín chỉ, biên soạn giáo án và tổ chức giảng dạy tích hợp, tổ chức đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện, kỹ năng mềm cho gần 3.000 lượt cán bộ quản lý GDNN. Đào tạo, bồi dưỡng cho 391 giáo viên tại Úc, Đức để dạy các nghề nhận chuyển giao.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2019 - 2020, dự án tập trung triển khai hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các đơn vị và các hoạt động kỹ thuật phục vụ dùng chung cho toàn ngành: Chuẩn hóa chương trình, đào tạo đội ngũ giảng viên, kiểm định chất lượng… Từ nhận thức của xã hội, của doanh nghiệp và các cấp quản lý về học nghề, việc đào tạo bước đầu có thay đổi tích cực.
Hoạt động đào tạo dần chuyển từ “cung” sang “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Tại nhiều cơ sở GDNN, các doanh nghiệp ký hợp đồng tiếp nhận sinh viên đến làm việc ngay trong lễ tốt nghiệp, hoặc ngay từ khi bắt đầu đi thực tập tại doanh nghiệp.