Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Dấu ấn 20 năm
Góp sức tăng trưởng công nghiệp nông thôn
Theo Cục Công Thương địa phương (CTĐP), 20 năm qua, các HTX CN-TTCN thành lập tương đối đa dạng, tập trung chủ yếu vào các ngành nghề chế biến nông, lâm, thủy sản; gốm, gỗ mỹ nghệ; mây tre lá đan lát; dệt, may, thêu; cơ khí, chế tạo; sản xuất hàng tiêu dùng. Phần lớn các HTX vẫn duy trì hoạt động và đạt kết quả khá...
Mô hình HTX hoạt động hiệu quả |
Những năm gần đây, các HTX CN-TTCN đã chú trọng huy động nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện tổ chức sản xuất và quản lý. Nhiều HTX đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, xây dựng và quảng bá thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Sự chuyển đổi này đã góp sức làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn bình quân 12,7%/năm trong những năm qua, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Diện mạo khởi sắc của các HTX CN-TTCN luôn có sự đồng hành của ngành Công Thương. Chỉ riêng với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Cục Công Thương địa phương đã hỗ trợ cho các HTX gần 20 tỷ đồng. Theo đó, gần 2.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề và tạo việc làm; 100 lượt HTX được hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất và rất nhiều các sự kiện xúc tiến thương mại đã được tổ chức giúp các HTX giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác.
Ngoài ra, với hoạt động bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia, trong đó có các sản phẩm của các HTX CN-TTCN, Cục CTĐP tiếp tục giúp các sản phẩm này khẳng định chất lượng tạo lòng tin với người tiêu dùng.
Phấn đấu cho mục tiêu mới
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 20 năm qua, Cục CTĐP tiếp tục xây dựng định hướng và mục tiêu cho phát triển các HTX CN-TTCN trong những năm tới. Cụ thể, giai đoạn 2025 - 2030 phấn đấu nâng tổng HTX CN-TTCN tăng thêm hàng năm khoảng 5%; tăng cường hoạt động khuyến công hỗ trợ các HTX CN- TTCN phát triển theo chiều sâu để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cục CTĐP chú trọng phát triển các mô hình HTX gắn với chương trình khuyến công, chương trình phát triển CN-TTCN, phát triển ngành nghề, xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương; nghiên cứu xây dựng một số liên hiệp HTX CN-TTCN ở những vùng có nhiều làng nghề, cụm công nghiệp; hỗ trợ các HTX hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới công nghệ và sản phẩm, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất…
Để hiện thực hóa định hướng trên, Cục CTĐP sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX CN -TTCN trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu nhằm tạo thêm nguồn hỗ trợ phát triển HTX CN-TTCN; đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật… Đồng thời, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã 2012 cho phù hợp. Khi Nghị quyết mới được ban hành, Luật HTX 2012 được sửa đổi, bổ sung, đề nghị các bộ, ngành tập trung nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX ổn định và bền vững.
Chuyển mình theo xu thế hội nhập là một trong những xu hướng cũng như mục tiêu phát triển của các HTX CN- TTCN trong những năm tới. |