Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo |
Vị thế của Việt Nam và cơ hội TPP mang lại
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, với một thị trường tiềm năng 90 triệu dân, sau khi TPP được ký kêt vào ngày 4/2 vừa qua thì vị thế Việt Nam đã được nâng lên một bước cao hơn. Vì giờ đây Việt Nam là nước hiếm hoi kết nối với các thị trường lớn trên thế giới bởi hàng loạt các hiệp định FTA đã được ký kết. Đó là thị trường ASEAN 600 triệu dân, thị trường rộng lớn của TPP với trên 800 triệu dân, thị trường liên bang Nga, thị trường Mỹ và liên minh EU…Điều này sẽ mở ra hàng loạt các cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Trước hết, nếu các nhà ĐTNN đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định trên vì từ Việt Nam họ sẽ tiếp cận được các thị trường lớn với thuế suất bằng 0%. Đây cũng là lý do các tập đoàn lớn của nước ngoài đang chuyển dần chuỗi sản xuất của mình sang Việt Nam như LG, Samsung... và DN Việt Nam cũng có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng đó nếu biết tận dụng cơ hội.
TPP cũng mang lại xung lực mới cho xuất khẩu. Hầu như các mặt hàng xuất khẩu đều được hưởng lợi từ da giày, dệt may cho đến nông sản, thủy hải sản. Ngay cả thủy hải sản hiện nay vào thị trường Mỹ thuế suất rất thấp nên TPP có vẻ như không tăng thêm lợi ích bao nhiêu cho mặt hàng này nhưng đối với thị trường Nhật sẽ rất hiệu quả vì sẻ giảm thuế rất nhiều.
Khi xuất khẩu, ĐTNN tăng trưởng sẽ dẫn theo nhiều ngành phát triển từ vận tải, tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh.
"Tuy nhiên, những cơ hội này dựa trên giả định tất cả các điều kiện khác đều thuận lợi" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý. Đơn cử như khi Việt Nam gia nhập WTO, có rất nhiều dự báo cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh và thực tế đã có luồng vốn đầu tư đỉnh cao vào năm 2007. Tuy nhiên họ cũng không lường trước được 2 cuộc khủng hoảng đã nổ ra là khủng hoảng tài chính vào năm 2008 và khủng hoảng nợ công vào năm 2010. Với 2 cuộc khủng hoảng đó, điều kiện thuận lợi đã thay đổi. Vì thế cần phải suy nghĩ thấu đáo cơ hội từ TPP cũng sẽ thay đổi theo biến động của kinh tế thế giới.
Hàng trăm DN , hiệp hội trong và ngoài nước quan tâm đến Hội thảo |
Nắm bắt cơ hội bằng cách nào?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, không có một câu trả lời cụ thể và chính xác cho câu hỏi này mà bản thân các DN phải tự tìm câu trả lời và lối đi cho mình về việc nắm bắt các cơ hội mà TPP mang lại.
Tuy nhiên cơ hội không tự biến thành lợi ích mà phụ thuộc vào nỗ lực của cả DN và Chính phủ có nắm bắt được cơ hội đó hay không. Một điểm đáng lưu ý khác, cơ hội sẽ không phân chia đồng đều vì DN nào có sự chuẩn bị tốt sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn và dường như các DN FDI đang có sự chuẩn bị tốt hơn.
"Cơ hội luôn luôn đi kèm với thách thức và thách thức với DN hiện nay chính là sức ép cạnh tranh, thay đổi chính mình để chủ động chấp nhận cạnh tranh. Tuy nhiên, không nên cạnh tranh bằng giá rẻ mà cần cạnh tranh bằng chất lượng, uy tín và nâng tầm quản trị"- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa – Cao su TP.Hồ Chí Minh cho hay, có khoảng 3.000 DN ngành nhựa, nhưng đa phần là DN vừa và nhỏ. Thực tế có 10 DN trong ngành ngồi lại với nhau thì chỉ có 6 DN lớn biết về TPP còn lại 4 DN không biết hoặc biết rất lơ mơ hoặc không quan tâm. Vì thế tham gia các FTA, TPP sẽ thúc đẩy các DN Việt Nam thay đổi tư duy quản trị theo hướng hiện đại.
Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty chứng khóan HSC cho biết, khi tiếp xúc, tư vấn cho nhiều DN Việt Nam thì điểm hạn chế của DN là không muốn đầu tư dài hạn, không muốn dùng tư vấn chuyên nghiệp để quản trị, chỉ muốn vay ngân hàng với lãi thấp, tài chính thiếu minh bạch rõ ràng… Vì thế trong quá trình phát triển và hội nhập, DN nào vượt qua những hạn chế này sẽ lớn lên đủ tầm, còn không sẽ bị đào thải.
Chia sẻ về vấn đề quản trị DN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, cơ hội cho DN trên thị trường chứng khoán trong việc mở room cho nhà đầu tư chỉ là một phần nếu tính tổng room trên thị trường còn rất nhiều, chỉ thiếu hàng tốt và điều này lại đòi hỏi DN phải hoạt động hiệu quả, quản trị tốt…
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Vietnam) tại TP.Hồ Chí Minh Herb Cochran cho rằng, TPP đòi hỏi các DN phải am hiểu luật pháp quốc tế, tuân thủ các quy định chặt chẽ trong cam kết về môi trường, lao động, xuất xứ… Những yêu cầu này cũng buộc các DN phải nâng tầm quản trị, học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài, từ thế giới.
Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức từ TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Nhà nước, Chính phủ sẽ hết sức tạo điều kiện cho DN. Vấn đề còn lại là ở chính DN phải chủ động cạnh tranh. Thách thức của chúng ta là ở chính chúng ta!