Bà đánh giá như thế nào về mức độ sử dụng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam hiện nay?
Nghiên cứu gần đây của chúng tôi về hành vi người tiêu dùng đã chỉ ra rằng, thói quen sử dụng các công nghệ thanh toán mới đang trở nên phổ biến. 44% số người được khảo sát cho biết, họ đang sử dụng hình thức thanh toán qua các ứng dụng; trong khi đó, có 32% đang sử dụng các công nghệ thanh toán không chạm (contactless payment), cho phép người tiêu dùng chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị để thanh toán. Ngoài ra, 19% số người dùng đã sử dụng hình thức thanh toán bằng mã QR để thanh toán dịch vụ, hàng hóa. Với những con số nêu trên, chúng tôi đã thấy, sự chấp nhận rất mạnh mẽ của cả người bán và người mua với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Dù vậy, tôi cho rằng, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt vẫn chưa thực sự cao như kỳ vọng bởi thói quen dùng tiền mặt, nhận thức về dịch vụ tài chính của người dân và hạ tầng pháp lý chưa hoàn thiện.
Vậy theo bà, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, Chính phủ Việt Nam cần làm những gì?
Để thúc đẩy nhanh việc thanh toán không tiền mặt, Chính phủ nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống POS và tận dụng thanh toán không dùng tiền mặt tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, có thể bằng việc giảm thuế hoặc hỗ trợ chi phí. Bên cạnh đó, thúc đẩy thanh toán điện tử cho các dịch vụ công cũng nên được chú trọng. Đối với ngân hàng và doanh nghiệp, việc tuyên truyền và quảng bá tại các điểm chấp nhận thẻ để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân rất cần thiết. Đối với những đơn vị chưa chấp nhận thanh toán thẻ, các bộ, ngành cần có kế hoạch cụ thể để phát triển các hình thức thanh toán này.
Cuối cùng, chúng tôi cần một giải pháp phối hợp giữa các bên liên quan - công ty thanh toán điện tử, chính phủ, ngân hàng và điểm chấp nhận thanh toán để xây dựng những chương trình truyền thông xoay quanh chủ đề thanh toán không dùng tiền mặt, để chứng minh sự an toàn và hiệu quả của phương thức này.
Thanh toán qua thẻ đang dần phổ biến tại Việt Nam |
Xin bà cho biết, những nỗ lực mà Visa đã và sẽ thực hiện để thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam?
Tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã ra mắt Lộ trình An ninh Thanh toán cho Việt Nam, tập trung khai thác các sáng kiến đột phá, hỗ trợ phát triển an ninh trong thanh toán nhằm đáp ứng được tốc độ mà công nghệ đang thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Visa đã triển khai công nghệ thẻ chip EMV tại Việt Nam trong một quãng thời gian dài từ năm 2010. Từ tháng 10/2018, tất cả các thẻ Visa được phát hành tại Việt Nam đều được trang bị công nghệ chip thanh toán không tiếp xúc (công nghệ EMV Contactless Chip). Chúng tôi tin rằng, cả công nghệ thanh toán không tiếp xúc và mã QR sẽ cùng bổ trợ nhau phát triển trong ngắn và trung hạn. Bên cạnh đó, công nghệ mới về mã hóa bảo mật 3D Secure (công nghệ cấp mã xác thực giao dịch) hay Credential on File (CoF) tokenization nhằm cấp token cho thông tin thẻ được lưu trữ để giảm giá trị dữ liệu nhạy cảm và hỗ trợ người dùng có thể thực hiện thanh toán trên các website thương mại điện tử an toàn và thuận tiện hơn bằng cách lưu thông tin và không cần nhập lại. Đây là những công nghệ mà Visa liên tục đưa vào thị trường và phát triển theo từng tiến độ.
Cùng với đó, chúng tôi đã liên kết với các đơn vị bán lẻ như Saigon Co-op, CGV, BHD, Starbucks, The Coffee House, KFC... triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc (contactless). Visa đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), thanh toán di động (mobile payment) và thanh toán phi tiếp xúc (contactless). Đồng thời, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ để đem lại lợi ích và trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Xin cảm ơn bà!