Động lực phát triển kinh tế
Khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình
- Từ cách làm chủ động
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình- cho biết, để thu hút đầu tư vào các KCN, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách như: Quyết định 04/2011/QĐ-UBND của UBND ban hành Quy định về quản lý và khuyến khích đầu tư tại tỉnh Hòa Bình; Quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020… Cùng với hệ thống văn bản, chính sách, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đạt được kết quả cao nhất, trong đó, phải kể đến công tác quy hoạch xây dựng hạ tầng 25 khu công nghiệp (KCN), CCN trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác quảng bá, giới thiệu những chính sách ưu đãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức (hội thảo, hội nghị, website…) cũng được đặc biệt quan tâm. Tỉnh cũng rất coi trọng công tác cải cách hành chính, giảm thời gian xét cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 15 ngày xuống còn 3 ngày; cấp giấy phép xây dựng ngay sau khi có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở. Đặc biệt, thời gian phải đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm từ 45 ngày năm 2011 xuống còn 31 ngày năm 2012.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Tỉnh chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng tới các dự án có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững môi trường. |
… Đến kết quả thu hút đầu tư
Theo số liệu từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện nay, các KCN của Hòa Bình đã thu hút được 58 dự án đầu tư, trong đó có 13 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 327 triệu USD và 45 dự án trong nước với vốn đăng ký đạt 5.312 tỷ đồng. Trong số đó, đã có 28 dự án đi vào hoạt động, thu hút trên 4.000 lao động. Năm 2012, dù kinh tế khó khăn, song tỉnh vẫn thu hút được 7 dự án đăng ký đầu tư vào các KCN, trong đó có 4 dự án FDI với số vốn đăng ký trên 169 triệu USD.
Đánh giá kết quả hoạt động của các DN trong KCN, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, năm 2012, tổng doanh thu của các DN đạt trên 1.174 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2011. Giá trị xuất khẩu cũng tăng khá với tổng kim ngạch đạt 32 triệu USD, tăng trên 20% so với năm trước.
Ngoài các DN FDI thì nhiều DN trong nước cũng hoạt động khá hiệu quả. Kết quả này không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, khó khăn lớn nhất là số lượng các KCN được đầu tư hạ tầng đi vào hoạt động còn ít, dẫn đến chưa có nhiều quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; tiến độ triển khai một số dự án còn chậm…
“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng các KCN, CCN trong vùng động lực thành phố Hòa Bình - Kỳ Sơn - Lương Sơn - Bắc Lạc Thủy. Đến năm 2015, dự kiến có khoảng 50% các KCN, CCN được đầu tư hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, đồng thời nâng cao tính hiệu quả của các dự án đầu tư, tạo đà cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển” – ông Dũng khẳng định.
Hoàng Châu