CôngThương - Đồng Nai hiện có 30 khu công nghiệp tọa lạc trên diện tích hơn 9.500 ha. Nếu tính thêm các ngành dịch vụ và sự nghiệp, tổng số lao động toàn tỉnh lên tới hơn 400 ngàn người.
Có một thực tế là, đa số lao động xuất thân từ học sinh phổ thông chưa qua đào tạo nghề (34%). Lao động qua đào tạo nghề chỉ chiếm 9,6%; lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 4,2%; còn lại là nguồn lao động phổ thông đến từ các tỉnh.
Việc hạn chế về trình độ đã khiến nhiều lao động thiếu tự tin khi làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Đây là khu vực chiếm 92% tổng số lao động toàn tỉnh (gần 380 ngàn người).
Ông Flemming David - Giám đốc tiếp thị, kinh doanh phụ trách dự án viễn thông Ericson & VN Mobile - đã nói về điều này như sau: “Lao động người Việt thường không dám chịu trách nhiệm hay đưa ra một quyết định mang dấu ấn cá nhân. Đó là lý do chúng tôi thường sử dụng các lao động nước ngoài làm công tác quản lý DN”.
Đó cũng là lý do người nước ngoài làm việc trong các DN có vốn ĐTNN ở Đồng Nai ngày càng tăng cao (năm 2006 có gần 2.500 lao động nước ngoài, đến năm 2013 con số đó là gần 6.000 lao động). Thực tế này khiến tỷ lệ quy định không quá 3% lao động trong DN có vốn ĐTNN là người nước ngoài không thực thi được.
Theo thống kê của tỉnh Đồng Nai, hiện có tới 88% lao động phổ thông; không có trình độ năng lực, tay nghề chuyên môn, hoặc có tay nghề nhưng làm việc không đúng chuyên môn. Thực tế này cho thấy Đồng Nai đang rất cần nguồn lao động chất lượng cao. |
Bên cạnh nguyên nhân kinh tế phát triển nhanh, việc thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao một cách trầm trọng ở Đồng Nai hiện còn do thiếu liên kết đào tạo - sử dụng lao động, nạn “chảy máu chất xám” do đãi ngộ kém…
Khắc phục các điểm yếu này, tỉnh đã tổ chức hội chợ việc làm hàng năm để tăng cường liên kết giữa nhà đào tạo và DN. Đi đầu trong việc đào tạo theo yêu cầu DN là Trường Cao đẳng Công nghệ & Quản trị Sonadezi. Trường đào tạo lao động chất lượng cao theo đơn đặt hàng của các DN thuộc các khu công nghiệp Biên Hòa 1, 2, Amata, Long Thành, Loteco… Để tránh nạn “chảy máu chất xám”, việc đánh giá đúng trình độ và sự cống hiến của người lao động để có chế độ lương bổng, đãi ngộ xứng đáng cũng được đặt ra trong các hội thảo về lao động ở Đồng Nai.
Về mặt chiến lược, tỉnh ủy - UBND tỉnh Đồng Nai đã đầu tư 250 tỷ đồng thực hiện 4 chương trình đào tạo nguồn nhân lực cao đảm bảo 50% lao động toàn tỉnh có qua đào tạo vào năm 2015. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn Đồng Nai cũng đã được thực hiện trong 2 năm (2011-2012) với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2013, Đồng Nai sẽ giải quyết việc làm cho hơn 90 ngàn lao động, trong đó có 46% qua đào tạo nghề.