Đông Nam Bộ: “Trái ngọt” từ cách làm sáng tạo
Hiệu quả lớn
Theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 nổi bật nhất là hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại nhiều DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn.
Nguồn vốn khuyến công giúp các DN ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất |
Với tổng kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công là 54,7 tỷ đồng, 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 36 cơ sở CNNT được thụ hưởng ưu đãi từ nguồn kinh phí này. “Việc hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến tại các cơ sở CNNT góp phần tự động hóa sản xuất thay thế lao động thủ công, giảm độc hại cho người lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm” - bà Trương Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai - đánh giá.
Tại Bình Dương, nếu như giai đoạn 2009 - 2016, nguồn kinh phí dành cho khuyến công địa phương chỉ từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, từ năm 2017 đến nay đã tăng lên trên 3 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn đối ứng từ các DN, cơ sở CNNT cũng đạt trên dưới 20 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, trung bình 1 đồng vốn khuyến công sẽ thu hút được trên 10 đồng vốn đối ứng từ đối tượng thụ hưởng. Đây thực sự là con số đáng ghi nhận, cũng đồng thời là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả Chương trình khuyến công của Bình Dương sau nhiều năm nỗ lực triển khai thực hiện.
Với cách làm sáng tạo, ngành Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng mạnh hoạt động khuyến công vào hỗ trợ đào tạo, hợp tác quốc tế. UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp phòng Công nghiệp và thương mại TP. Sanjo (SCCI) - Nhật Bản tổ chức các khóa tập huấn tại tỉnh và tại TP. Sanjo cho hơn 80 lượt công chức, viên chức nâng cao năng lực xây dựng chính sách phát triển công nghiệp.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến công trong giai đoạn phát triển mới, Đồng Nai dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021- 2025 khoảng 71 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hơn 41 tỷ đồng, thu hút từ các cơ sở CNNT 28 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác. Theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ hỗ trợ ứng vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp, hỗ trợ chỉnh trang cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp đã lấp đầy trên 50% diện tích đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Tỉnh Bình Dương cũng đặt mục tiêu hỗ trợ cho hơn 75 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng ít nhất 2 mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến sản phẩm mới, công nghệ mới...
Ðể đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, tập trung nhiều vào đối tượng DN, trong đó có các cơ sở CNNT - đối tượng chính của chính sách khuyến công.
Khuyến công Đông Nam bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện theo các nội dung của Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021- 2025 tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ các cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong bối cảnh tình hình mới. |