“Nườm nượp” vốn FDI đổ vào ngay từ đầu năm
Mới đây Foxconn Singapore PTE Ltd - một trong những nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Tập đoàn công nghệ Apple đã đón nhận giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Nhà máy Fukang Technology tại Khu công nghiệp Quang Châu tỉnh Bắc Giang. Dự án có quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng, tương đương 270 triệu đôla Mỹ.
Năng lượng là một trong những lĩnh vực thu hút vốn ngoại trong thời gian qua. |
Tại khu kinh tế phía Nam, chỉ riêng ở Đồng Nai, trong 13 ngày đầu năm 2021, Đồng Nai thu hút được 11 dự án FDI, trong đó có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua.
“Rõ ràng thế giới đã hiểu rất rõ những thế mạnh và đà tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam, tin tưởng việc Việt Nam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới”, bà Anh Nguyễn - Giám đốc Bộ phận Phát triển kinh doanh của Colliers International - đánh giá.
Chia sẻ tại Diễn đàn đầu tư Ấn Độ - Việt Nam, do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Tập đoàn VinaCapital tổ chức ngày 22/1, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư - khẳng định: Năm 2020, trong bối cảnh FDI toàn cầu suy giảm tới 40%, kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký đạt hơn 28,5 tỷ USD. Mặc dù giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019 song tổng vốn đăng ký tăng thêm mở rộng đầu tư tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp FDI.
Đặc biệt, theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch & đầu tư, trong những dự án mà các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào Việt Nam gần đây tập trung nhiều vào lĩnh vực năng lượng, công nghiệp chế biến. Với những kết quả này, nhiều chuyên gia nhận định, tổng vốn đăng ký và đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,98 tỷ USD (vốn thực hiện).
Phát huy lợi thế từ các FTA
Sở dĩ dòng vốn FDI vào Việt Nam khả quan được ông Trần Duy Đông chỉ ra: Do Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua các bộ luật quan trọng liên quan đến đầu tư - kinh doanh như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn…
Bên cạnh đó, các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… và loạt FTA khác đã mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện cho Việt Nam. “Các FTA này sẽ đóng vai trò rất quan trọng với Việt Nam trong năm 2021. Việc Apple mới đây chọn Việt Nam là nơi sản xuất Ipad và Macbook đầu tiên ngoài Trung Quốc là minh chứng cho thấy dòng vốn FDI chất lượng cao đang ngày càng đổ vào Việt Nam nhiều hơn”, ông Terence Alford - Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn và đầu tư Colliers International - nhận xét.
Tuy đạt những kết quả tích cực song theo giới phân tích kinh tế, gần đây các lợi thế vốn có của Việt Nam đang dần mất đi và một số thách thức mới đã xuất hiện. Trong đó có các yêu cầu về lao động tay nghề cao và sự xuyên suốt, đồng bộ của chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, có ý kiến cho rằng, ngoài ưu tiên chính sách cho doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mạnh mẽ và phù hợp hơn nữa. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nội gia tăng năng lực cạnh tranh, góp phần giúp Việt Nam từng bước cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tạo nền tảng thu hút FDI chất lượng hơn.
Liên quan vấn đề này, ông Don Lâm - Phó trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Đồng sáng lập và Tổng giám đốc VinaCapital - cho biết: Thủ tướng Chính phủ cũng đã ghi nhận khu vực kinh tế tư nhân là chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam và đã thành lập Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân. Việc này nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn mà các công ty tư nhân (gồm cả công ty Việt Nam và nước ngoài) có thể gặp phải khi sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cũng như giúp tìm kiếm, xác định các cơ hội, thị trường mới trong - ngoài nước.