Vịnh Kim Cương, Nha Trang
CôngThương - Không dừng lại ở đó, ngay tư duy của những người kinh doanh trong lĩnh vực này cũng đã thức thời hơn nhiều. Không chỉ phục vụ các khách du lịch thông thường, phần lớn người làm du lịch hiện nay còn còn xác định rõ mục tiêu hoạt động của mình là nhắm tới “đồng đôla” trong ví những khách hàng hạng sang ở tầm tuổi 40-60.
Phát triển du lịch hạng sang
Như Giám đốc điều hành Công ty du lịch sang trọng đầu tiên tại Việt Nam Luxury, ông Phạm Hà từng chia sẻ quan điểm rằng, du lịch hạng sang là thưởng thức sự thoải mái, sang trọng, tinh tế, dịch vụ xuất sắc và những trải nghiệm độc đáo với một nền văn hóa mới.
Có thể nói sự phát triển không ngừng của những dịch vụ du lịch cao cấp ở Việt Nam thời gian qua đã mang đến cho du khách những trải nghiệm đắt giá như: du lịch trên biển với tàu năm sao, sử dụng các chuyến bay riêng theo yêu cầu, hay phơi mình trong nắng ở những khu vực có địa thế đẹp và cảnh trí tuyệt mỹ như The Nam Hai, Six Senses Hideaway Ninh Van Bay resort, Vinpearl Luxury…
Khi du lịch được xác định là "ngành công nghiệp không khói” trong nền kinh tế Việt Nam, thì hơn ai hết những người làm du lịch đã tự rút ra được bài học, rằng du lịch sang trọng không chỉ là hình thức của dịch vụ tham quan mà nó phải bao gồm cả chất lượng dịch vụ.
“Một sản phẩm du lịch xây dựng thành công khi nó mang lại cảm xúc hay trải nghiệm gì giá trị với du khách. Doanh nghiệp du lịch nào cung cấp cho khách hàng dịch vụ cùng hướng dẫn viên đạt chuẩn, để khi ra về có thể nhìn thấy nụ cười thỏa mãn, ngạc nhiên đồng thời được họ dành lời khen tặng cung cách nhân viên phục vụ thì đó chính là lúc một sản phẩm đạt đến độ tinh tế và là mục tiêu cho các công ty lữ hành hướng tới,” chị Thanh Hoa, nhân viên một công ty du lịch ở Hà Nội nói.
Và bài toán… đẳng cấp trong 10 năm tới!?
“Hạ tầng năm sao” ở Việt Nam đang trên đà phát triển và có nhiều tiềm năng phát triển dựa trên những thế mạnh về du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Đây cũng chính là ba nhóm sản phẩm ngành du lịch đang ưu tiên phát triển.
Theo đó, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030, Tổng cục Du lịch đã đề xuất sẽ tập trung vào sáu nhóm vấn đề. Trong các nội dung này, “đầu tư phát triển sản phẩm và xây dựng quảng bá thương hiệu là một trong những mũi nhọn mang tính chất động lực tạo sự phát triển đột phá,” Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Song, làm thế nào để tạo được đột phá như ông Tuấn nói, khi mà thực tế thời gian qua ngành du lịch vẫn còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng sản phẩm đặc trưng có khả năng cạnh tranh?
Chúng ta sẽ phải dựa trên những yếu tố tài nguyên về văn hóa, cảnh quan, môi trường, con người và các yếu tố khác để tạo ra sản phẩm độc đáo, khác biệt và hấp dẫn. Chỉ có khác biệt và hấp dẫn mới có khả năng cạnh tranh và thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế, ông Tuấn nhận định. Và, hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam trong 10 năm tới được ông Tuấn phác họa sẽ trở thành một điểm đến có đẳng cấp, hấp dẫn và ưa chuộng trong khu vực và thế giới.
Ông Tổng cục Trưởng cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm rằng, việc xây dựng thương hiệu du lịch cần được dẫn dắt bởi những người có hiểu biết, có khả năng và chuyên nghiệp về vấn đề này. Do đó, muốn xây dựng và quảng bá được thương hiệu trước hết phải nâng cao được tính chuyên nghiệp từ khâu nhân lực ở trên các lĩnh vực của du lịch.