Khách quốc tế khám phá ẩm thực Việt qua tour học nấu ăn.
CôngThương - Anh Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch Vietravel cho biết, nhiều đoàn du khách quốc tế say mê khi chứng kiến những người dân miền Tây đổ bánh xèo và thưởng thức tại chỗ trong sự thích thú. Họ cũng thích sống cùng những người dân theo hình thức trải nghiệm trong kỳ nghỉ homestay để ít nhất một ngày hiểu được người dân bản địa sống, làm việc gì và ăn gì, ẩm thực chính là yếu tố làm nên sự độc đáo và cuốn hút du khách của du lịch Việt Nam.
Trong danh sách 100 đặc sản Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) sưu tầm nhằm tôn vinh những giá trị từ con số 100 theo dọc chiều dài hình chữ S của lãnh thổ Việt Nam vừa được công bố mới đây cho thấy sự độc đáo, phong phú và mang đặc trưng vùng miền rất cao của đặc sản Việt như: lợn Vân Pha (Quảng Trị), vịt cỏ Vân Đình (Hà Nội), gà Đông Cảo (Hưng Yên), dê núi Trường Yên (Ninh Bình)… Đặc biệt, còn phải kể đến các vùng miền có những loại côn trùng mà người dân ở đó chế biến ra món ăn đậm đà khó quên: dế Mường Lò (Yên Bái), đuông dừa (Bến Tre), bò cạp Tịnh Biên (An Giang)...Ngoài ra, còn những thứ quả mà chỉ một vùng đất nào đó mới có, không thể lẫn được với những vùng đất khác, như: nho Ninh Thuận, chôm chôm Vĩnh Long…
Hãng tin CNN cũng vừa giới thiệu, ca ngợi đầy hấp dẫn về các món ăn Việt Nam, trong đó đặc biệt ca ngợi món phở. CNN cho biết, tại bất cứ thành phố lớn nào, người ta cũng dễ thấy cảnh thực khách xì xụp bên bát phở trong một quán vỉa hè, bất kỳ danh sách món ăn Việt Nam nào mà thiếu phở thì đều không hoàn chỉnh. Món cao lầu, bún chả, hay bún bò Nam bộ, đến những món ăn vặt như nộm hoa chuối, hạt dẻ nóng hay chè cũng được CNN nêu tên...
Chả cá Lã Vọng một trong những đặc sản của Hà Nội được du khách quốc tế yêu thích
Tiềm năng và hấp dẫn là vậy nhưng văn hóa ẩm thực nước ta vẫn dừng ở mức “hữu xạ tự nhiên hương” đối với khách du lịch và ngành dịch vụ ăn uống vẫn chưa khai thác được lợi thế của về sản vật, đặc sản để kinh doanh, quảng bá. Ông Lê Trần Trường An- Tổng Giám đốc Vietkings- cho hay mỗi địa phương, tỉnh thành trong nước đều có những sản vật đặc trưng. Nhưng khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 30% đặc sản được sử dụng hiệu quả từ các khâu: tìm kiếm, sản xuất, phân phối, quảng bá.
Bên cạnh đó, dù các lễ hội ẩm thực được tổ chức nhưng chưa thật sự nổi bật, và đạt hiệu quả trong việc giới thiệu văn hoá ẩm thực Việt đến du khách. Các hoạt động quảng bá văn hóa Việt ở nước ngoài chưa kết hợp với quảng bá ẩm thực một cách tích cực, mạnh mẽ, hệ thống nhà hàng giới thiệu món ăn Việt còn khiêm tốn... vì thế mà chưa tạo được sức hút với du khách đến Việt Nam thông qua sự hấp dẫn của văn hóa ẩm thực.
Theo anh Nguyễn Minh Mẫn, ngoài lễ hội trái cây Nam bộ tại khu du lịch Suối Tiên (TP. HCM) mà cũng chỉ mới quảng bá được đặc sản phương Nam là chính, trên cả nước chưa có hội chợ nào có quy mô lớn tương tự, công tác quảng bá chỉ diễn ra định kỳ mỗi năm một lần. Vì vậy để xúc tiến thương mại hay đưa vào khai thác du lịch cũng cần phải có kế hoạch dài hơi hơn. Hình thức du lịch homestay, du lịch miệt vườn, tham quan và thưởng thức trái cây trước đây đã từng tồn tại ở Lái Thiêu (Bình Dương), hiện nay đang triển khai tại Vinh Sang (Vĩnh Long), Mỹ Khánh (Cần Thơ), nhưng vẫn chưa hướng đến mục tiêu quảng bá sản vật đặc trưng nhất của địa phương.
Tour học nấu ăn đang được các doanh nghiệp lữ hành khai thác
Hiện loại hình du lịch kết hợp học nấu ăn được các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu mở rộng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp lữ hành, để thành công trong việc khai thác tiềm năng ẩm thực du lịch, phải chú trọng nhiều hơn đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lễ hội ẩm thực giới thiệu văn hoá ẩm thực Việt đến du khách vẫn còn ít, vì vậy cần nghiên cứu kỹ hơn về nhu cầu để tổ chức các lễ hội ẩm thực theo các vùng miền mang nét đặc trưng trong năm. Ngoài ra, bên cạnh quảng bá điểm đến Việt Nam tại các nước, có thể thu hút du khách thông qua các sự kiện biểu diễn cách chế biến món ăn tại chỗ đối với du khách trong các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Xác định vai trò của ẩm thực đối với sự phát triển du lịch, trong dự thảo chiến lược phát triển du lịch từ nay đến 2020 đã có định hướng phát triển cụ thể với dịch vụ ăn uống, theo đó lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng. Bởi đây là ngành làm gia tăng giá trị của các sản phẩm tới 300% và thu được lợi nhuận từ 40-50% trong tổng doanh thu.
Kinh doanh dịch vụ phục vụ ăn, uống không chỉ đem lại lợi nhuận cao, tạo thị trường và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn là phương pháp quảng bá về hình ảnh của dân tộc rất quan trọng. Ngoài ra, hệ thống nhà hàng sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn thông qua tour tìm hiểu, tham quan đặc sản, sản vật địa phương, quy trình chế biến các món ăn. Các công ty lữ hành sẽ có điều kiện đẩy mạnh tour cooking class (học nấu ăn) khai thác được nguồn khách tiềm năng với khả năng chi trả cao.