CôngThương - Mặc dù, quy định cấm sử dụng Enrofloxacin có hiệu lực từ ngày 1/3/2012 nhưng ngay từ trước giữa tháng 1/2012 khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 03/2012/TT-BNNPTNT về việc bổ sung các chất Cypermethrin, Deltamethrin và Enrofloxacin vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, nhiều nông dân nuôi tôm đã không sử dụng chất này do đã có sự khuyến cáo từ trước của cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp thu mua.
Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay khi Thông tư 03 được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ban hành, cơ quan chức năng địa phương đã phối hợp tuyên truyền rộng rãi quy định này đến cộng đồng người nuôi tôm và đã nhận được nhiều phản ứng tích cực. Hiện nay, quy định cấm sử dụng Enrofloxacin trong nuôi tôm nói riêng và nuôi thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện khá nghiêm ngặt.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản 2 tháng đầu năm nay đạt 67,544 triệu USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 2/2012 đạt 34,9 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng so với 32,6 triệu USD của tháng 1/2012. Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản cũng như ngành tôm của Việt Nam nói chung.
Như vậy, trước những nỗ lực của cơ quan chức năng, người nuôi tôm cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc kiểm soát Enrofloxacin trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đã đạt được những kết quả khả quan, qua đó đã khôi phục được hình một sản phẩm tôm Việt Nam chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.