Mở rộng thị phần bán lẻ, doanh nghiệp Việt cần chú trọng sản phẩm mới Doanh nghiệp bán lẻ đang gặp áp lực lớn trên 'sân nhà' |
Nhiều mục tiêu lớn
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đánh giá, thị trường bán lẻ những năm qua tăng trưởng nhanh chóng, nhất là khi có sự chuyển dịch từ phương thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh hiện đại trên nền tảng số và thương mại điện tử, mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến.
Dù vậy, phát triển thị trường bán lẻ, nhất là cung ứng hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại các khu vực nông thôn vẫn ghi nhận những tồn tại, bất cập. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối trong nước còn hạn chế. Việc xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài và nguồn cung hàng hóa nhập khẩu.
Cũng theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong 5 - 10 năm tới, ngành bán lẻ vẫn được đánh giá rất tiềm năng, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu được dự đoán sẽ cao gấp 3 lần so với hiện tại.
Do vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển thị trường bán lẻ được cho là thực sự quan trọng và mang tính cấp thiết.
Tại Dự thảo Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương lấy ý kiến đóng góp có nhiều mục tiêu lớn.
Dự thảo Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 kỳ vọng nhiều mục tiêu lớn. Ảnh: Hải Yến |
Trong đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) tăng bình quân 13,0 - 13,5%/năm; doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5 - 11% tổng mức tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 20 - 21%/năm; phấn đấu đạt trên 40 - 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Cùng đó, chính sách về phát triển thị trường bán lẻ được rà soát, bổ sung, môi trường kinh doanh được cải thiện, hướng đến hình thành và phát triển thị trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, thu hút được các nhà bán lẻ có năng lực và uy tín tham gia thị trường. Hạ tầng phục vụ bán lẻ được đầu tư bước phát triển, chú trọng nâng cấp hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm hỗ trợ cho hoạt động bán lẻ như hệ thống kho bãi, vận tải, phương tiện xếp dỡ, bảo quản hàng hóa,... từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ. Đến năm 2030, khoảng 85% cơ sở bán lẻ được cải tạo, nâng cấp trang thiết bị hiện đại.
Giai đoạn từ năm 2031-2045, tổng mức tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12,0 - 12,5%/năm; đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15 - 16% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12 - 13%/năm; phấn đấu đạt trên 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước…
Định hướng phát triển phù hợp mục tiêu
Bên cạnh đưa ra những mục tiêu lớn, trong Dự thảo Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cũng xây dựng định hướng phát triển phù hợp.
Theo đó, đa dạng hóa các chủ thể tham gia thị trường bán lẻ là một trong những ưu tiên. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường bán lẻ theo những hình thức và quy mô thích hợp; hình thành lực lượng phân phối nòng cốt trong nước thông qua những ưu đãi bước đầu về cơ chế, chính sách tài chính và đất đai. Hình thành các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối, trong đó xác định các doanh nghiệp tư nhân là lực lượng nòng cốt tạo nên động lực quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của thị trường.
Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động phân phối theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Chiến lược cũng định hướng đổi mới phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh. Phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại thông qua việc tổ chức và vận hành hiệu quả hệ thống phân phối các nhóm hàng hóa thiết yếu trên thị trường; hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm nội địa bền vững, đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Khuyến khích các hộ kinh doanh lớn chuyển thành doanh nghiệp, áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển phù hợp với loại hình kinh doanh nhỏ lẻ.
Đầu tư phát triển các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp với chợ truyền thống là hạt nhân kết hợp với đường phố thương mại, vừa mang tính hiện đại đồng thời mang bản sắc văn hóa kinh doanh truyền thống. Tại các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, Nhà nước khuyến khích dần chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại.
Cùng đó, xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và phân phối theo hướng bền vững, trong đó dđẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái...
Phát triển các chuỗi liên kết theo phương thức nhượng quyền kinh doanh và các chuỗi liên kết tự nguyện của siêu thị nhỏ, cửa hàng chuyên doanh để tăng cường năng lực cạnh tranh. Với doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, khuyến khích hình thành chuỗi liên kết đơn ngành hoặc đa ngành, thiết lập chuỗi liên kết dọc (liên kết hình thành chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh), tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ.
Ngoài ra, để phát triển thị trường bán lẻ trong bối cảnh mới, chiến lược cũng định hướng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thương mại điện tử; phát huy vai trò của quản lý nhà nước đối với thị trường bán lẻ; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ.