Luật giao dịch điện tử (sửa đổi): Khắc phục hạn chế, bất cập Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Đề xuất bổ sung dữ liệu mở, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài |
Tạo đà để chuyển đổi số thành công
Sáng 27/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc tọa đàm ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 1/3/2006, được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Sau 16 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử đã cùng các luật liên quan tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dân sự, kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, sự bùng nổ của chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong 2 năm gần đây, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi, với sự phát triển đột phá của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, sinh trắc học, chuỗi khối...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại tọa đàm |
Vì vậy, việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng luôn tiên phong, dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Song thời gian qua, hoạt động của các ngân hàng, trung gian tài chính gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro pháp lý do thiếu khuôn khổ pháp luật quy định về giao dịch điện tử.
Để hỗ trợ các tổ chức hội viên hoạt động an toàn, ổn định, thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã nhiều lần có văn bản phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền về những vướng mắc, bất cập của ngân hàng, công ty fintech liên quan đến hoạt động ngân hàng điện tử. Đồng thời, Hiệp hội Ngân hàng rất tích cực, chủ động cùng Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá những tồn tại của Luật giao dịch điện tử năm 2006 và đưa ra những kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể.
Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng rất đồng tình và đánh giá cao khi Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời xây dựng dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới đây. “Việc xây dựng Luật sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành” - ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Cũng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, về cơ bản, các nội dung quy định tại dự thảo Luật đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo. “Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử tăng trưởng nhanh chóng hiện nay, giúp các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực ngân hàng có cơ sở pháp lý hoàn thiện để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử, chuyển đổi số thành công” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức |
Cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn
Dù đồng ý với việc dự thảo Luật sửa đổi đã khắc phục được nhiều bất cập, tuy nhiên đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng chỉ ra một số nội dung chưa thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động hiện nay trong dự thảo, như: Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; quy định về Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chưa tạo điều kiện cho các chủ thể tự lựa chọn loại chữ ký điện tử phù hợp với nhu cầu về tính khả dụng và độ an toàn; quy định về sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài còn chưa phù hợp thực tiễn; việc sử dụng các chứng từ điện tử đã được ký bằng chữ ký điện tử trong các vụ việc tại Tòa án; hay việc quy định chỉ được sử dụng chữ ký số đối với các giao dịch nhằm mục đích kinh doanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bằng phương thức điện tử của các tổ chức tín dụng…
Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet, viễn thông còn chung chung; quy định về nghĩa vụ của chủ thể cung cấp dịch vụ phải công khai các thuật toán có thể tạo ra những hạn chế và rủi ro cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dịch vụ thúc đẩy giao dịch điện tử; những biện pháp các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ giao dịch điện tử trong dự thảo mới nhất là quá chặt chẽ, có thể dẫn tới sự lạm quyền hoặc lợi ích nhóm…
Cho rằng Luật Giao dịch điện tử là một trong những Đạo luật vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng Bà Michele Wee, Chủ tịch BWG mong rằng, những ý kiến tâm huyết của các ngân hàng trong nước và nước ngoài sẽ được tổng hợp và xem xét kỹ càng, làm tiền đề để các cơ quan có thẩm quyền và ban soạn thảo Luật nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc, từ đó có những điều chỉnh Luật hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường.
Chủ tịch BWG cũng khẳng định, sẽ tiếp tục ủng hộ, hợp tác và đưa ra những ý kiến tham gia trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm áp dụng thực tiễn để đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển hành lang pháp lý tại Việt Nam.