Đề nghị sửa đổi Luật giao dịch điện tử Luật giao dịch điện tử (sửa đổi): Khắc phục hạn chế, bất cập |
Kế thừa có chọn lọc và bổ sung những nội dung phù hợp
Phát biểu tại hội thảo góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào sáng 14/7, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) – cho rằng: Luật Giao dịch điện tử ra đời từ năm 2005, sau hơn 15 năm thực hiện, luật đã thể hiện vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào cải cách hành chính mạnh mẽ. Đặc biệt, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch trên môi trường mạng, vai trò của Luật Giao dịch điện tử càng thể hiện rõ.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp vào tháng 10/2022 |
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 tuy ra đời sớm, nhưng tính chất quy định theo hướng khung, nguyên tắc nên có tính ổn định cao. Theo đó, đã hơn 15 năm nhưng vẫn khá tương thích với bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, bối cảnh đã có nhiều thay đổi, các giao dịch được thực hiện trên môi trường điện tử ngày càng nhiều, nên rất cần một khung khổ pháp lý phù hợp hơn. Đó là lý do, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được sửa đổi.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành, Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, để xây dựng Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), từ đầu năm đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xin ý kiến, và phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức 6 hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp. Tính đến ngày 29/4, ban soạn thảo đã nhận được 90 văn bản góp ý kiến cùng với hơn 850 ý kiến góp ý cụ thể cho dự thảo luật.
Từ việc tiếp thu ý kiến, hiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang xây dựng có 8 chương, 60 điều. Các chính sách chủ yếu của dự thảo sau khi được tiếp thu ý kiến tập trung vào những nội dung, bao gồm: Quy định về mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: Sửa đổi, chi tiết hóa cách xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; quy định bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của tài khoản giao dịch; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; quy định về dịch vụ tin cậy; quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử…
“Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, đồng thời sửa đổi, bổ sung các nội dung mới phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số” – ông Nguyễn Trọng Đường thông tin.
Tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân
Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều bày tỏ sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cho phù hợp với điều kiện bối cảnh mới và sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch điện tử được thực hiện trên môi trường mạng thời gian qua. Tuy nhiên, các đại biểu cũng mong muốn, luật sửa đổi sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân khi giao dịch trên môi trường điện tử.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, đây là bộ luật quan trọng, đưa ra những khung khổ pháp lý trên môi trường số, nên luật mới cần tạo ra một cơ sở giao dịch vững chắc hơn, nhanh hơn, tiện lợi và an toàn với chi phí thấp, tạo sự ổn định và tin cậy hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Tiến – Giám đốc Marketing – Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam góp ý, tại Chương V, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, Điều 47 về Dữ liệu mở, đề nghị bổ sung 4 nội dung: Thứ nhất, bổ sung khái niệm “Dữ liệu mở”, đồng thời phân loại rõ dữ liệu mở nói chung với dữ liệu mở của cơ quan nhà nước; Thứ 2, bổ sung nội dung quy định về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng cho dữ liệu mở, để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác dữ liệu mở của cơ quan nhà nước và phát triển kinh tế số; Thứ 3, bổ sung thêm điều mới, quy định cụ thể việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở rõ ràng.
Ví dụ cụ thể về vấn đề này, ông Phạm Đức Tiến cho rằng: Yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước đều phải lập danh mục và phân loại dữ liệu mở của cơ quan mình. Từ đó sẽ tạo ra được dữ liệu mở mang tính hệ thống, phân loại chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo các quyền để sử dụng dữ liệu đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu mở phát triển và toàn dân có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu mở vào phát triển kinh tế; Thứ 4, bổ sung nội dung quy định việc các cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo năng lực hệ thống, cổng thông tin của cơ quan mình, không cấm người dân, doanh nghiệp truy cập dữ liệu mở của cơ quan mình.
Bên cạnh đó, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nên rõ ràng hơn trong một số quy định. Đồng thời, đại diện một số doanh nghiệp như Honda, Mercedes Bez cũng kiến nghị, luật sửa đổi tới đây nên sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong các giao dịch điện tử.