Bắc Giang: Duyệt quy hoạch khu công nghiệp Mỹ Thái - Xuân Hương - Tân Dĩnh Bắc Giang: Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao |
Hiện thực hoá mục tiêu đưa Bắc Giang thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp
Với mục tiêu đề ra, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã sớm chỉ đạo UBND tỉnh tham mưu xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022. Theo đó, đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang có 29 Khu công nghiệp (KCN), với diện tích đất khoảng 7.000 ha.
Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên. Ảnh: BGP |
Với mục tiêu này, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và định hướng thu hút đầu tư, đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các KCN.
Đặc biệt, ngày 10/12/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 261/2003/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Các KCN tỉnh Bắc Giang. 20 năm qua, dù trải qua nhiều khó khăn, biến động, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn nhưng Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành, chính quyền địa phương.
Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Ban luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch… phát triển các KCN.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính, thông tin, tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, tập trung giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại Ban Quản lý KCN đang là cơ chế quản lý phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo nâng cao vai trò và năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN, vừa đảm bảo yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết nhanh gọn các yêu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng triển khai, thực hiện các chương trình xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN.
Trong đó, Ban Quản lý là đầu mối kết nối hỗ trợ DN các vấn đề liên quan đến pháp luật về đầu tư, thuế, lao động, xuất, nhập khẩu, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc xây dựng hạ tầng KCN, khu tái định cư cho người dân nằm trong dự án.
Hiệu quả cao từ thu hút đầu tư
Nhờ các giải pháp kể trên, những năm gần đây, các KCN của tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, góp phần vào kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Năm 2003, tỉnh mới có 1 KCN, đến nay đã có 8 KCN được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 1,98 nghìn ha; 451 doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN, giải quyết việc làm cho 196 nghìn lao động. Tỷ lệ đất công nghiệp đã cho thuê đạt hơn 77%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các KCN được đầu tư đồng bộ, có KCN đang được đầu tư theo hướng KCN sinh thái.
Hoạt động của các KCN góp phần giúp cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp (từ 7,4% năm 2005 lên 57,5% năm 2023). Cơ cấu công nghiệp của tỉnh tăng hơn 7,7 lần so năm 2005.
Hiện trong các khu công nghiệp của Bắc Giang có 488 dự án đầu tư, trong đó có 373 dự án FDI, 115 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI); tổng vốn đầu tư quy đổi đạt 10,6 tỷ USD.
Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài luôn là điểm sáng, hàng năm đều đứng trong tốp đầu cả nước, với nhiều dự án lớn, công nghệ cao của các Tập đoàn lớn, đa quốc gia như: Foxconn, Luxshare, Longi, JA Solar, Hana Micron...
Đặc biệt, trong những năm qua Ban quản lý các KCN tỉnh đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; thường xuyên trao đổi, đối thoại và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; nhiều năm liền Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang được xếp thứ hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và được các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao.
Để tiếp tục thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích các KCN trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vốn cho tăng trưởng kinh tế đến năm 2030, Bắc Giang xác định tập trung thu hút đầu thư theo cả chiều rộng và chiều sâu. Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao; các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường và có khả năng đóng góp cho ngân sách lớn như: điện, điện tử, thiết bị viễn thông, cơ khí chính xác, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Song song đó, tỉnh lựa chọn đối tác, nhà đầu tư, bảo đảm nguyên tắc đầu tư lâu dài tại địa phương; có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; tạo nhiều việc làm; hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Với vị trí thuận lợi, nguồn đất công nghiệp dồi dào, chính sách ưu đãi, cải cách hành chính tốt, Bắc Giang đang tràn đầy hy vọng tiếp tục là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh.