Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư thành công tại Việt Nam |
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước. Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trao đổi với lãnh đạo Quốc hội, đại diện các giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa… về phương hướng và các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, trong đó, chú trọng tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.
Trong suốt 45 năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất trên các lĩnh vực, nhất là từ khi nâng cấp lên thành quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" vào tháng 3/2014. Nhật Bản hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất và đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 11,7 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 5,8 tỷ USD, tăng 15,2% và nhập khẩu 5,9 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về đầu tư, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2017 đạt mức kỷ lục 9,11 tỷ USD, gấp 4 lần năm 2016. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và phần lớn đều thành công, tiếp tục mong muốn mở rộng đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã tích cực thúc đẩy tự do hóa thương mại, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong quá trình đàm phán, từ đó đóng góp quan trọng hình thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phối hợp đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, qua đó làm sâu sắc nội hàm quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" giữa hai nước. Để sớm hiện thực hóa những lợi ích mà CPTPP có thể đem lại, hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình phê chuẩn và triển khai, đồng thời Nhật Bản quan tâm dành hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định.
Chủ tịch nước khẳng định, thời gian tới, với sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả hai bên, hai nước sẽ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; khai thác tiềm năng, đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, y tế, công nghệ cao, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2018, Nhật Bản là nước đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới cấp phép vào Việt Nam với 265,6 triệu USD, chiếm 12,5% tổng số dự án. |