“Gỡ khó” cho hoạt động thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ Thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ |
Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi
Khi sử dụng các chế phẩm vi sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo cả chu trình chăn nuôi - nuôi trồng thuỷ sản khép kín sẽ giúp nâng cao hệ số tiêu hoá và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi nên giảm được lượng thức ăn tiêu thụ mà vật nuôi vẫn khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, đồng thời giảm được phát thải, giảm được khoảng 20% lượng thức ăn sử dụng; thay thế được hoàn toàn cho hoá chất và chất kháng sinh thường dùng.
Bộ sản phẩm ứng dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản (khoa Tài nguyên Môi trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) |
Tính trung bình chi phí đầu vào sẽ giảm được 200-300 nghìn đồng/đầu lợn, 20 nghìn đồng/con gà. Mặt khác, còn giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, giảm được tới hơn 90% mùi hôi chuồng trại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi, nên dễ có sự đồng thuận của người dân quanh khu vực chăn nuôi.
Không những thế, chất lượng thịt, trứng, sữa cũng tăng lên, tiến tới đạt tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu do không còn tồn dư kháng sinh phòng bệnh, đồng thời chất thải chăn nuôi được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vì thế làm gia tăng chuỗi giá trị cho người chăn nuôi mà vẫn bảo vệ được môi trường.
Chương trình ứng dụng công nghệ này nếu được thực hiện đúng theo chu trình chăn nuôi - nuôi trồng thuỷ sản khép kín sẽ là sự hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại các địa phương.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh - Chủ nhiệm Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân chăn nuôi - nuôi trồng thuỷ sản”, khoa Tài nguyên Môi trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết, Bộ sản phẩm ứng dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản của chúng tôi đều là các kết quả nghiên cứu đã được công nhận và thử nghiệm cho hiệu quả vượt trội, trong đó chế phẩm Vnua-Mios V đã được Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành và chế phẩm Vnua-Aqua đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Hiệu quả là vậy, nhưng câu hỏi luôn đặt ra cho những nhà làm công tác nghiên cứu đó là làm thế nào để đưa các sản phẩm này đến được với người nông dân. PGS.TS Nguyễn Thị Minh chia sẻ, hiện chúng tôi đã thiết lập Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản” giai đoạn 2022-2025 và sẽ liên kết với các địa phương, lần lượt thực hiện tại các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Tại đây, chúng tôi hỗ trợ tư vấn xây dựng chu trình chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn sinh học và hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho bà con, từ đó nhân rộng lan toả tại từng địa phương, từng bước nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, để người tiêu dùng được sử dụng các nông sản an toàn có chất lượng cao và đảm bảo sức khỏe. “Chương trình đã và đang thực hiện tại tỉnh Hoà Bình và Bến Tre. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, chúng tôi sẽ triển khai tiếp các tỉnh, như: Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình”, bà Minh chia sẻ.
Thí điểm các doanh nghiệp khởi nguồn khoa học công nghệ ‘Spin-off’
Song song với các giải pháp trên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng có chủ trương thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn khoa học công nghệ (Spin-off) thí điểm dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã thành công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm quan gian hàng 'Spin-off công nghệ sinh học nông nghiệp môi trường JAMITECH - VNUA về các sản phẩm khoa học, công nghệ sáng tạo của Bộ môn vi sinh vật, khoa Tài nguyên Môi trường |
PGS.TS Nguyễn Thị Minh - nhà sáng lập Spin - off thí điểm lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp môi trường JAMITECH - VNUA về các sản phẩm khoa học, công nghệ sáng tạo của Bộ môn vi sinh vật, khoa Tài nguyên Môi trường - đánh giá, đây là một chủ trương tiên phong và kỳ vọng sẽ phá “tảng băng” rào cản giữa nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, giúp hiện thực hoá các nghiên cứu của các nhà khoa học, mở đường cho những nghiên cứu khoa học thành công từ phòng thí nghiệm được ứng dụng vào thực tế sản xuất.
“Sắp tới combo sản phẩm từ phòng thí nghiệm như: Ja-MiosV; Ja-Biotic; Ja-Aqua sẽ được chúng tôi đưa ra thị trường qua Spin-off công nghệ sinh học nông nghiệp môi trường JAMITECH-VNUA. Hiệu quả của các sản phẩm khoa học mang tính vượt trội này sẽ thúc đẩy các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo để nghiên cứu các công nghệ mới, ngày càng hoàn thiện và có tính ưu việt”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Ông Lê Việt Dũng - phụ trách chuyển giao công nghệ của JAMITECH-VNUA cho biết, trong quá trình chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ tới người nông dân, chúng tôi có thuận lợi nhất định đó là thông tin của nhà khoa học được chuyển giao cho bà con nông dân được chi tiết, sâu sát nhất. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại. Bởi lẽ, bà con thường có thói quen sử dụng chế phẩm, hoá chất, hay các sản phẩm kháng sinh tự phát, kinh nghiệm truyền từ người chăn nuôi với nhau nên hiệu quả không cao, xử lý chất thải không triệt để. “Qua Spin-off, đội ngũ kỹ thuật sẽ hỗ trợ chi tiết cách sử dụng từng sản phẩm tới tận chuồng trại phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của vật nuôi nên hiệu quả của các sản phẩm nghiên cứu được phát huy tốt hơn”, ông Lê Việt Dũng chia sẻ.
Lấy nông dân làm trung tâm của việc phát triển, nghiên cứu cũng như chuyển giao công nghệ các sản phẩm khoa học sẽ giúp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất và phát huy hiệu quả cao nhất. “Đội ngũ kỹ thuật cũng sẽ tiếp cận các thông tin từ nhu cầu của nông dân rồi chuyển tới các nhà khoa học. Thông qua các thông tin đó, các nhà khoa học sẽ đưa ra các giải pháp hữu ích, thiết thực hơn với nhu cầu với bà con”, ông Lê Việt Dũng cho biết thêm.
Vì mới là thí điểm nên còn rất nhiều những khó khăn ở phía trước. PGS.TS Nguyễn Thị Minh cũng mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với các Spin-off trong phát triển khoa học công nghệ để các sản phẩm khoa học công nghệ ngày càng hoàn thiện và ưu việt hơn. Bên cạnh đó có các chính sách khuyến khích các địa phương sẵn sàng phối hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hay hỗ trợ lựa chọn các đơn vị thực hiện các mô hình thí điểm ban đầu để người nông dân dễ dàng tiếp cận, nhận thấy rõ hiệu quả ứng dụng và sẽ tự tìm đến với các sản phẩm khoa học công nghệ, cũng như nhanh chóng nhân rộng các phương thức phát triển nông nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Tại sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA – 2022" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao đề xuất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về Spin-off, đồng thời đề nghị, sớm thực hiện thí điểm mô hình này tại Học viện, như cho phép cán bộ viên chức được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, cho phép các Spin-off hợp tác sử dụng các tài sản chưa khai thác hết công suất để tăng nguồn thu cho cơ sở giáo dục; cho phép sử dụng các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ để góp vốn vào các Spin-off… Đây là mô hình gắn kết giữa nhà trường với xã hội, nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới đang áp dụng và thành công như ở Hà Lan, Hoa Kỳ, Australia… Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp Spin-off là nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, để khoa học công nghệ nhanh chóng trở thành sức mạnh vật chất, tạo thành của cải và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. "Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, đề nghị Học viện phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình hoàn thiện Nghị định", Thủ tướng cho biết. "Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, các đồng chí xây dựng đề án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng nói. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các cơ quan tiếp tục xuống làm việc trực tiếp, cụ thể hơn với nhà trường để trao đổi, thống nhất, tìm phương án xử lý các vấn đề đặt ra, các kiến nghị của Học viện, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền và với những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. |