Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh Internet |
Sau khi lắng nghe “sáng kiến” của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu và cho ra đời gói tín dụng 50- 60 nghìn tỷ đồng cho vay NNCNC với lãi suất ưu đãi, cơ chế vay thông thoáng... Sau đó, Thủ tướng cho ý kiến nâng hạn mức gói tín dụng này lên 100 nghìn tỷ đồng.
Có thể nói, sau gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho bất động sản, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho NNCNC đã thổi bùng lên niềm hy vọng cho các địa phương, doanh nghiệp mong muốn nhập cuộc lĩnh vực mới mẻ đầy tiềm năng này.
Rất nhanh, đã có nhiều bộ hồ sơ đề nghị được vay ưu đãi để làm NNCNC, đề xuất vay tới cả trăm nghìn tỷ đồng, thậm chí tới cả nghìn tỷ đồng. Đồng thời, bộ tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp sạch, danh mục ứng dụng...
Phục vụ cho gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng- đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn tất. Và, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện các ngân hàng thương mại đã đăng ký sơ bộ hơn 100 nghìn tỷ đồng cho vay NNCNC, lãi suất thấp hơn 0,5- 1%/năm so với lãi suất thông thường hiện nay...
Thế nhưng, sau hơn 3 tháng, gói tín dụng vẫn nằm im lìm, chưa có đồng vốn nào được giải ngân. Địa phương và doanh nghiệp đỏ mắt trông chờ. Điều gì đang cản ngại?
Trước hết, đây là gói vay thương mại chứ không phải sự “ban phát”. Vì thế, cả hai phía- ngân hàng và doanh nghiệp- đều phải chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để cho vay và được vay.
Các ngân hàng buộc phải tính toán cẩn trọng, “chọn mặt gửi vàng”, hạn chế thấp nhất rủi ro. Rất đơn giản, bản chất của ngân hàng khi cho vay là bán rủi ro, rủi ro thấp thì lãi suất ắt thấp.
Về phía doanh nghiệp, dù “ruột nóng như lửa đốt” cũng không dễ “xơi” gói tín dụng đầy hấp dẫn này nếu không có phương án đầu tư, kinh doanh tốt, không có năng lực tài chính, năng lực kinh doanh thật sự...
Thêm nữa, thực tiễn đang có một chiếc “ba-ri-e” lớn: Đất đai. Để làm NNCNC, doanh nghiệp cần tích tụ diện tích đất rất lớn nhưng “bất lực”, không thể nắm trong tay sổ đỏ hàng trăm, hàng ngàn ha đất, mà theo luật định, chỉ có thể đi thuê, nông dân vẫn giữ sổ đỏ. Việc cho vay và được vay vốn sẽ bất khả thi nếu không có giải pháp “tín chấp”...
Dĩ nhiên các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ có những giải pháp “dung hòa”, tháo gỡ những khúc mắc, tất cả đều công khai, minh bạch, nhưng cần có thêm thời gian. “Dục tốc bất đạt”.