Tàu thuyền của ngư dân đã tìm chỗ lưu trú an toàn trên Vịnh Hạ Long trước giờ bão số 5 đổ bộ.
CôngThương - Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ngay trong chiều 29/9, chúng tôi đã triển khai đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 tại các địa phương xung yếu như huyện Vân Đồn, Cẩm Phả và TP Hạ Long. Ban PCTT&TKCN đã yêu cầu trên 13.000 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã về nơi trú ẩn an toàn, trong đó có 168 tàu đánh cá xa bờ; 475 tàu du lịch đã về nơi tránh trú bão.
Ông Hậu cho biết thêm, công tác di dời người dân tại những khu vực trọng yếu khi cơn bão đổ bộ được quan tâm đặc biệt. Trong khu vực Vịnh Hạ Long có 3 làng chài với tổng số nhân khẩu trên dưới 500 người. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng chức năng phối hợp di dời toàn bộ số dân của 2 làng chài vào các hang đá trong vịnh để tránh bão.
Với các làng chài còn lại, Ban PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét di dời toàn bộ người dân vào bờ tránh bão. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai gấp rút việc di dân đối với trên 4.000 nhà bè, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh.
Nam Định: Họp khẩn 3 khu vực xung yếu lên phương án chống bão
Tính đến chiều cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB đã thông báo diễn biến bão số 5 cho tất cả 2.373 tàu thuyền và 1.171 chòi canh vây vạng. Số tàu thuyền đang neo đậu tại bến, bãi ngang là 2.077 chiếc; số tàu thuyền hoạt động ở khu vực đầm bãi gần bờ đi về trong ngày là 283 tàu với 650 ngư dân; có 13 tàu với 78 ngư dân đánh bắt xa bờ đang neo đậu tại cửa Hội (Nghệ An), cửa Sót (Hà Tĩnh), cửa Gianh (Quảng Bình) và khu vực Vùng Tàu.
Tỉnh Nam Định xác định các công trình đê kè xung yếu cần đặc biệt quan tâm gồm tuyến đê biển Hải Phúc, Hải Lộc, Hải Đông, Hải Chính, Hải Triều, Hải Hoà (Hải Hậu); đê biển xã Giao Xuân, Giao Phong (Giao Thuỷ), đê biển xã Nghĩa Thắng, Nam Điền, Nghĩa Hải, Cồn Xanh; đê tả hữu sông Sò và đê hữu sông Ninh Cơ. Đây là những tuyến đê có mặt cắt thấp, làm bằng đất cát nên khả năng chống chịu rất hạn chế.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định yêu cầu ba huyện ven biển thực hiện ngay việc cấm tàu thuyền ra khơi; triển khai sơ tán người già, trẻ nhỏ ở tuyến đê chính, cửa sông xong trước 11 giờ ngày mai và toàn bộ số dân còn lại ở địa bàn này sơ tán sâu vào nội đồng xong trước 15 giờ chiều mai.
Nghệ An: Đề phòng một số điểm bị chia cắt dài ngày
Kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ở cửa sông, ven biển, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, hạ lưu các hồ chứa nước, chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân. Chủ động chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, đề phòng bị chia cắt dài ngày theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, công sở, biển hiệu, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão vào; Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học.
Khẩn trương chỉ đạo nhân dân thu hoạch nhanh các trà lúa Hè Thu, lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng" và các sản phẩm hoa màu khác.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu và giúp dân sơ tán người và tài sản khi có yêu cầu.
Nghệ An hiện thời tiếp đang có mưa lớn xảy ra rải rác trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, tại huyện miền núi Kỳ Sơn do ảnh hưởng của mưa lũ trong những ngày qua trên địa bàn huyện này liên tục xẩy ra sạt lở. Người dân bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn phát hiện một vết nứt lớn trên núi nằm sát hàng chục hộ dân trong bản.
Vết nứt xuất hiện từ chân núi, kéo dài khoảng 70 - 80m. Tại chân núi vết nứt rộng 10 - 20cm nhưng lên cao có chỗ rộng tới 40- 50 cm. Tại một số điểm đất đã sụt lún xuống 2m. Đây không phải là lần đầu ngọn núi này bị nứt. Năm 2005 cũng đã từng xẩy ra trường hợp tương tự nhưng vết nứt nhỏ hơn và không nguy hiểm.