Cao ủy phụ trách Hợp tác Phát triển của Liên minh châu Âu- Andris Piebalgs (giữa)
CôngThương - Liên minh Châu Âu và các nước thành viên (EU) vẫn là nhà tài trợ phát triển hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, EU đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam là 600 triệu Euro và cam kết cho năm 2012 là 754 triệu Euro với mục đích xóa đói giảm nghèo. Khoản viện trợ này tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực y tế và giải quyết việc làm. EU đã hỗ trợ cho Bộ Lao động và thương binh xã hội Việt Nam trong việc thiết lập hệ thống mà ở đó mọi người có thể tìm công ăn việc làm thông qua trung tâm dịch vụ hỗ trợ việc làm. Kết quả đã có khoảng 300 nghìn người tìm được việc làm thông qua trung tâm này.
Cao ủy Andris Piebalgs cho biết, trong năm tới, EU sẽ hỗ trợ cho Việt Nam 56 triệu euro trong lĩnh vực y tế và 70 triệu euro giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo. EU vẫn tiếp tục hợp tác lĩnh vực này trong giai đoạn 2014- 2020 thông qua các khoản hỗ trợ.
Ông cũng đánh giá cao “câu chuyện thành công” trong lĩnh vực phát triển của Việt Nam từ một nước thuộc nhóm nước nghèo nhất thế giới, nay đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010. Việt Nam đã thành công trong công cuộc giảm nghèo, phổ cập giáo dục cơ sở, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện sức khỏe sinh sản, chất lượng giới tính và trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, liên quan tới giảm nghèo, sự khác biệt trong khu vực vẫn còn tồn tại và cần phải giải quyết trong tương lai. Vì vậy, vấn đề hợp tác phát triển của EU tại Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì.
Trong chuyến thăm và làm việc 2 ngày tại Việt Nam, Cao ủy Andris Piebalgs thảo luận hoạt động hợp tác trong tương lai của EU với Chủ tịch nước và các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Hoạt động hợp tác này sẽ tập trung vào vấn đề làm thế nào để các hỗ trợ đó tạo nên giá trị cao hơn và có hiệu quả.
Cao ủy Andris Piebalgs cũng cho biết hiện nay, EU đang làm thủ tục ký kết Hiệp định hợp tác và đối tác mới (PCA). Hiệp định này sẽ thúc đẩy mối quan hệ song phương rộng lớn và đa dạng hơn. Đặc biệt, PCA sẽ cho phép hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như nhân quyền, quy tắc luật pháp, khoa học và công nghệ, năng lượng và môi trường, biến đổi khí hậu và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông cũng hy vọng rằng, trong chuyến thăm tới EU của Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam vào tháng 5/2012, PCA sẽ được ký kết.