Từ những dự báo về tác động của EVFTA đối với quan hệ thương mại Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU) và nền kinh tế Việt Nam, bà nhìn nhận thế nào về lợi thế so sánh hàng hóa cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong mối tương quan này?
Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều ngành của Việt Nam, trong đó có dệt may. Ảnh: Cấn Dũng |
Nếu nhìn vào mặt xếp hạng thông thường thì Việt Nam không thể bằng các đối thủ EU. Xét về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019, Việt Nam đứng thứ 67 thấp, hơn phần lớn các nước thành viên của EU. Tuy nhiên, xét về một số ngành, khía cạnh thì Việt Nam lại có so sánh nổi trội.
Cơ cấu kinh tế giữa Việt Nam và EU không phải là cơ cấu kinh tế cạnh tranh trực tiếp, đa phần các loại hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam không phải là thế mạnh của EU và ngược lại. EU xuất khẩu dược phẩm, hóa chất, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu dệt may… đều là những sản phẩm Việt Nam rất cần. EVFTA giúp cho Việt Nam có cơ hội nhập những sản phẩm tốt từ EU với giá hợp lý hơn. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu dệt may, giày dép, các sản phẩm nông, lâm thủy sản, lương thực, thực phẩm… Thậm chí, có mảng Việt Nam với EU “hơi trùng nhau” như máy móc, nhưng dòng máy móc thiết bị mà EU có thế mạnh thì không phải Việt Nam có thế mạnh. Đơn cử như Việt Nam có thế mạnh máy móc, cơ khí chi tiết…
Như vậy, xét trong mối tương quan đó, Việt Nam có nhiều cơ hội. Ngoài ra, EU là thị trường quan trọng đối với Việt Nam về mặt xuất khẩu và EU cũng là thị trường có sức mua lớn thứ 2 trên thế giới. Đây là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam như “lò xo” chuẩn bị bật trở lại sau đại dịch, có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các nước khác.
Ngoài ra, với hiệp định này, các DN Việt Nam còn có lợi thế khác như bằng việc mở cửa thị trường cho hàng hóa EU, Việt Nam có thể tiếp cận nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị với giá thấp, từ đó là cơ hội tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cơ hội cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc mở cửa dịch vụ, những dịch vụ sản xuất như logistics, hỗ trợ tài chính ngân hàng được suôn sẻ hơn, cạnh tranh hơn, giúp cho DN Việt tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó có thể có sức cạnh tranh hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI - đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ảnh: Cấn Dũng |
EU được đánh giá là thị trường minh bạch và kỹ tính, gây không ít khó khăn cho các DN Việt Nam để tuân thủ những quy tắc khác nhau về hàng rào kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ... Bà nhận định thế nào về vấn đề này?
EU được xác định là thị trường kỹ tính. Trong suốt quá trình hội nhập, Việt Nam luôn xuất siêu sang EU. Điều này cho thấy, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường này, tuy nhiên, không phải DN nào cũng tiếp cận được.
Đối với DN chưa từng tiếp cận thị trường EU, đây là thách thức lớn. Trong EVFTA, hàng hóa Việt muốn được hưởng ưu đãi thuế quan của EU, phải thỏa mãn quy tắc xuất xứ. Nếu hàng hóa không thỏa mãn quy tắc xuất xứ thì vẫn xuất sang EU như bình thường, nhưng không được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Đối với thuế, trước khi có Hiệp định EVFTA, EU cho hưởng thuế ưu đãi phổ cập GSP, nhưng GSP cũng có yêu cầu về quy tắc xuất xứ và DN đáp ứng được thì mới hưởng ưu đãi từ GSP. Thực tế, rất nhiều DN Việt Nam đã đáp ứng và được hưởng lợi. Đó là điều kiện để chúng ta có niềm tin vào DN Việt có thể tiếp cận nhiều hơn thị trường EU. Quy tắc xuất xứ của GSP và trong EVFTA không giống nhau nhưng không hoàn toàn khác nhau, nên các DN cũng có niềm tin để tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, GSP theo quy định của EU có hiệu lực từ 2 năm kể từ khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Cho nên trong 2 năm tới, DN có thể lựa chọn EVFTA nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA, có thể lựa chọn GSP, thậm chí không lựa chọn. Bởi có khá nhiều loại hàng hóa EU cho thuế về bằng 0%, không cần quan tâm đến quy tắc xuất xứ. Vì vậy, đây không phải là vấn đề quá lớn.
Còn các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… là những hàng rào không “mặc cả”. Nếu DN đáp ứng thì được vào, còn không thì không được vào thị trường. Tuy nhiên, rất nhiều DN, sản phẩm của Việt Nam đã vào thị trường EU. Vấn đề là làm thế nào kinh nghiệm, cách thức làm đó lan tỏa và có hỗ trợ như nào để các DN khác làm được điều đó.
Ngoài ra, EVFTA không đặt thêm rào cản mới, thậm chí, có cơ hội thuận lợi hơn với quy trình, thủ tục minh bạch, rõ ràng. Khi có vướng mắc, cơ chế giải quyết cũng nhanh hơn và thuận tiện hơn.
Tất cả các lợi thế của EVFTA mang lại cho hàng hóa của Việt Nam là lợi thế về giá, thuế có thể thấp hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, chi phí dịch vụ thấp hơn… Nhưng để tiếp cận thị trường, giá chỉ là một câu chuyện mà còn cả vấn đề thương hiệu, mẫu mã, chất lượng và cách xúc tiến tiếp cận với khách hàng, tiếp cận được vào hệ thống phân phối. Tất cả câu chuyện này DN phải làm. EVFTA là cơ hội nhưng không phải là đũa thần kỳ giải quyết được.
Ở góc nhìn thời hậu dịch Covid 19, và nhất là trung và dài hạn, EVFTA chắc chắn là cơ hội lớn với kinh tế Việt Nam. Theo bà, các bộ ngành phải làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, đương đầu với những thách thức, để những tiềm năng từ Hiệp định trở thành hiện thực?
Bên cạnh việc DN cần phải chủ động thì cơ quan nhà nước rất quan trọng. Tôi nghĩ có 4 điểm mà DN “trông chờ” vào Nhà nước để làm thế nào chuyển những kỳ vọng của EVFTA thành hiện thực.
Thứ nhất là công tác ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi. Được biết, khi Quốc hội phê chuẩn đã có 1 danh sách, văn bản phải ban hành hoặc phải sửa đổi để thực thi. Tuy nhiên, điều DN trông chờ là phải ban hành nhanh, kịp thời. Kinh nghiệm từ CPTPP cho thấy, nếu so với quy trình thông thường là nhanh, nhưng nếu so với yêu cầu của Hiệp định là chưa đủ, chưa nói đến yêu cầu kỳ vọng của doanh nghiệp là chưa đủ.
Ngoài ra, những văn bản đó phải được thiết kế phù hợp với thực tiễn và DN. Đặc biệt, mong các bộ, ngành không chỉ dừng lại câu chuyện cam kết những gì, mà cần tính đến những văn bản vượt lên trên cam kết. Không chỉ sửa đổi vì những cam kết đã ký mà còn sửa đổi vì chúng ta. Ví dụ sửa những quy trình thuận lợi, môi trường kinh doanh tốt hơn, để DN có thể thỏa sức sáng tạo, tận dụng cơ hội….
Thứ hai là phổ biến tuyên truyền. EVFTA được ví là “đường cao tốc” nhưng đường cao tốc ấy phải có bảng biểu hướng dẫn cụ thể. Phổ biến tuyên truyền không chỉ cho các DN mà cả cho cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi, đặc biệt là các địa phương phải làm cho đúng là điều rất quan trọng.
Thứ ba, công tác thực thi có hiệu quả, đó là vấn đề bộ máy, môi trường kinh doanh nói chung, đặc biệt liên quan đến EVFTA chắc chắn có nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi. Đầu mối nào để mỗi khi DN có vướng mắc, có thể hỏi và xử lý được.
Thứ tư, các biện pháp hỗ trợ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù, năng lực cạnh tranh, nền kinh tế của Việt Nam thấp hơn EU, bản thân EU cũng tính đến hỗ trợ kỹ thuật để cơ quan nhà nước, DN có thể tiếp cận được con đường lớn này. Cho nên những hỗ trợ kỹ thuật này là rất cần thiết. Ví dụ những biện pháp được làm như hỗ trợ nâng cao đào tạo cho DN, những áp dụng đúng theo yêu cầu kỹ thuật hay những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, có trung tâm hướng dẫn cho DN, hoặc để chiếu xạ cho những sản phẩm nông sản… Tất cả những điều đó, Nhà nước có thể và có quyền hỗ trợ.
Ngoài ra, cần có nhiều cơ quan để xúc tiến thương mại, giúp cho DN có thông tin thị trường, và hàng hóa có thể được xúc tiến, quảng bá ở trên tầm hình ảnh quốc gia. Rất trông chờ các cơ quan nhà nước, Chính phủ có thể hỗ trợ giống như yểm trợ và tạo đà cho DN tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả nhất.
Xin trân trọng cảm ơn bà!