Các đại biểu chủ trì hội thảo |
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của ông Phil Hogan - Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý chính sách nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu và 41 doanh nghiệp (DN) EU hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và đồ uống từ ngày 2-4/11.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam, EU và đại diện DN hai bên tham dự. Các bài phát biểu tại hội thảo cũng chung nhận định, cơ hội trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam - EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực là rất lớn. Trong đó, nông sản là một trong những mặt hàng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tăng kim ngạch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Sau khi kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015 và công bố toàn văn hiệp định vào tháng 2/2016, hai bên đang có những bước đi cuối cùng để EVFTA đi đến ký kết vào đầu năm 2017 và có hiệu lực vào năm 2018. Đây là hiệp định toàn diện, có mức độ cam kết cao, hứa hẹn giúp DN hai bên khai thác nhiều tiềm năng, lợi thế nhằm tăng mạnh về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia EU trong thời gian tới.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc hội thảo |
Theo Bộ Công Thương, năm 2015, EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với trên 30 tỷ USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu trên 10 tỷ USD. |
“Chuyến thăm của ông Phil Hogan và 41 DN EU hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống lần này cũng khẳng định sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam và sự quan tâm đặc biệt của Liên minh châu Âu, của DN châu Âu đối với những cơ hội mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU khi EVFTA chính thức có hiệu lực” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, ông Phil Hogan nhận định: “Hiệp định Thương mại Tự do EU- Việt Nam đem lại cơ hội to lớn cho cả nhà sản xuất Việt Nam và châu Âu trong việc tìm kiếm những thị trường đang tăng trưởng dành cho nông sản chất lượng cao của cả hai bên”.
Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp và cơ quan chức năng của Việt Nam và EU tham dự |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Rene van Rense - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển cây trồng Công ty Fresh Studio cho biết: Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu nông sản khá lớn nhưng đa số vẫn xuất - nhập khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông. Điển hình như nhập khẩu táo, 95% là nhập khẩu từ Trung Quốc và Hồng Kông. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu Thanh Long khá nhiều, nhưng cũng lại chỉ xuất sang Trung Quốc là chủ yếu, với 90%.
Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực từ năm 2018 sẽ mở ra cơ hội lớn cho DN hai bên trong xuất - nhập khẩu, trong đó có xuất - nhập khẩu nông sản. Tuy nhiên, để tiếp cận được cơ hội này, phía Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn đến vệ sinh an toàn thực phẩm, vì đây là vấn đề mà các quốc gia châu Âu rất quan tâm hiện nay - ông Rene van Rense gợi ý.