EVFTA: Cơ hội quốc tế hóa thương hiệu Việt
Ông Lương Hữu Lâm - Giám đốc Thương hiệu Giovanni Group - trả lời phỏng vấn phóng viên Vuasanca xung quanh việc định vị thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.
Thưa ông, EVFTA được ký kết và đi vào thực thi đồng nghĩa với việc cánh cửa xuất khẩu các mặt hàng này sang khối thị trường 28 nước EU đã được mở rộng hơn. Ông có thể chia sẻ những lợi ích của doanh nghiệp (DN) khi xuất khẩu các mặt hàng này?
Dưới góc độ DN tôi nhìn nhận cơ hội mà EVFTA mang lại cho cộng đồng các DN Việt Nam, đặc biệt là trong ngành dệt may và da giầy là tương đối lớn. Cụ thể, lộ trình về thuế là điều mà chúng ta thấy có lợi ích ngay từ đầu. Mặc dù trong những nhóm hàng về dệt may và da giầy, lộ trình thuế về 0% phải mất từ 3 đến 7 năm, ngoại trừ mặt hàng túi xách ngay lập tức sẽ có thuế về 0%.
EVFTA là cơ hội để thương hiệu Việt được quốc tế hóa |
Riêng với Giovanni Group, để sản xuất dòng hàng thời trang cao cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu, nhiều nguyên phụ liệu của chúng tôi vẫn phải nhập khẩu từ châu Âu. Vì vậy, EVFTA sẽ là cầu nối giúp DN tiếp cận nguồn nguyên phụ liệu từ châu Âu với mức giá và thuế cạnh tranh.
Về thời trang, trước đây, khi chúng ta chưa đề cập đến “cuộc chơi” chung với EU, thì từ phong cách cho đến ứng xử cũng chỉ trong giới hạn nhất định. Nhưng, khi chúng ta nhận lời mời đến “bữa tiệc” EU thì chúng ta phải chuẩn bị từ phong cách thời trang đến cách ứng xử phù hợp EU. Từ đó tôi nhìn thấy cơ hội ở mức dài hơi hơn khi tham gia vào EVFTA, chúng ta sẽ được tập dượt cho tại chính tổ chức DN của mình, từ đó chúng ta sẽ tự nâng cao tiêu chuẩn của DN. Viễn cảnh xa hơn, Việt Nam sẽ có cơ hội định vị thương hiệu thời trang về dệt may, da giầy ở phân khúc cao cấp hơn trên thế giới, mà không đơn thuần là quốc gia chuyên gia công như hiện nay.
Vậy, với lợi ích lớn từ EVFTA mang lại, thương hiệu Giovanni đã có hành động cụ thể như thế nào để đón bắt những cơ hội từ hiệp định này?
Ông Lương Hữu Lâm, Giám đốc Thương hiệu Giovanni Group |
Với thương hiệu thời trang, ở phân khúc hạng cao như Giovanni thì EVFTA là một cơ hội, một cách cửa mới giúp DN có thể hướng ra thị trường nước ngoài. Tôi lấy ví dụ, một thương hiệu X nào đó mở một gian hàng sản phẩm mang nhãn mác X ở thị trường châu Âu, sản phẩm đó được sản xuất Việt Nam, Made in Việt Nam nhưng dưới hình hài của một nhãn hiệu khác, do Việt Nam chủ yếu làm ở khâu gia công. Nhưng Giovanni thì khác, chúng tôi muốn mang thương hiệu Giovanni của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Để làm được điều đó, “bài toán” đầu tiên chúng tôi phải thực hiện là mở rộng chiến lược thị trường. Đối với Giovanni EVFTA chính là lực hấp dẫn thúc đẩy chúng tôi tiến gần hơn tới thị trường EU, một phần do thương hiệu Giovanni có nguồn nguyên vật liệu được nhập khẩu từ nước Ý. Như vậy, khi tham gia EVFTA, Giovanni có được lợi ích từ việc mang sản phẩm nguyên phụ liệu của nước Ý, của EU đến Việt Nam sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao để mang trở lại thị trường EU tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta được hưởng ưu đãi thuế quan đến 2 lần. Tuy phải có lộ trình nhưng đó chính là lực đẩy để chúng tôi mang thương hiệu Giovanni - một thương hiệu của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Trước viễn cảnh như vậy, chúng ta phải làm sao để xúc tiến thương mại, để sản phẩm đến với tay người tiêu dùng cũng là bài toán quan trọng. EVFTA với người tiêu dùng châu Âu có thể chỉ ảnh hưởng đến mức giá cao hay thấp. Tuy nhiên, giá thành không phải là nhân tố quyết định hành vi mua sắm của người tiêu dùng châu Âu, còn có rất nhiều nhân tố khác về chất lượng, về hình ảnh, về thương hiệu… Thương hiệu ở đây không chỉ là thương hiệu của sản phẩm của DN mà cả là thương hiệu của quốc gia, nơi sản xuất ra sản phẩm đó.
Nhắc đến câu chuyện thương hiệu, tôi thấy rằng việc xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia cũng ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm của khách hàng, cảm nhận của họ với thương hiệu thời trang mà chúng ta mang đến của thị trường EU này. Ví dụ, khi người tiêu dùng châu Âu tiếp cận với thương hiệu Giovanni đến từ Việt Nam, thì thương hiệu Việt Nam trong mắt họ là như thế nào? Là một đất nước rất tử tế, tốt bụng, giúp đỡ EU trong thời kỳ Covid vừa qua, vậy thì họ sẽ có những cảm nhận tốt về sản phẩm của đất nước Việt Nam sẽ tốt hơn và đó chính là cách chúng ta có thể tận dụng được tối đa và cũng là những gì Giovanni chúng tôi đang có tầm nhìn với từ thị trường châu Âu với tác động rất tích cực từ EVFTA này.
Để tận dụng được ưu đãi của EVFTA, các DN phải nắm chắc các vấn đề về quy tắc xuất xứ. Với kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường EU, đặc biệt DN cũng đã sử dụng các quy tắc trong Hiệp định CPTPP đã được thực thi trước đó, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này?
Theo tôi, quy tắc xuất xứ là điểm mấu chốt quyết định DN có được hưởng lợi từ EVFTA hay không. Hiện nay đại đa số DN dệt may, da giầy của chúng ta nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến việc chúng ta vi phạm quy tắc xuất xứ và không được hưởng lợi từ EVFTA. Vì vậy, chúng ta phải tìm những nguồn nguyên phụ liệu từ các nước có FTA với EU. Ví dụ, nước có nguồn vải tương đối tốt và đáp ứng được quy tắc xuất xứ có thể kể đến đó là từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, nguồn vải này lại có mức giá tương đối cao.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) kiểm tra đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Giovanni |
Đối với Giovanni, hiện nay, chúng tôi có 2 nguồn nguyên phụ liệu chính là vải và da. Đối với vải, trong ngắn hạn, chúng tôi tiếp tục sử dụng những nguồn vải nhập khẩu từ châu Âu. Nhưng trong tương lai phải có bài toán dài hơi hơn đó là việc đầu tư, phát triển những trung tâm dệt vải của Việt Nam để đáp ứng cho thị trường châu Âu này.
Còn về ngành da, đối với phân khúc hạng cao thì da Made in Italia vẫn là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, da Made in Italia cũng có nhiều chủng loại và thường có giá thành cao. Nếu chúng tôi có nguồn da thay thế thì sản phẩm sẽ có lợi thế cạnh tranh ở thị trường châu Âu.
Theo tôi, để chủ động trong dài hạn về nguồn nguyên phụ liệu, chúng ta cần sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như bàn tay chung sức của cả cộng đồng các DN Việt Nam như: Đầu tư, phát triển những trung tâm dệt vải của Việt Nam đáp ứng cho thị trường châu Âu; có những trung tâm nghiên cứu để tạo ra những kỹ nghệ về thuộc da, vì có thể thấy, ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng ko phải nhỏ, nguồn da cũng tương đối tốt. Bài toán ở đây là cách thức chúng ta thuộc da như thế nào để có được nguồn nguyên liệu giúp cho các DN Việt Nam có thể tận dụng được EVFTA mà lại thỏa mãn được nhu cầu của thị trường EU.