EVFTA và thời cơ “vàng” - Bài 1: Điểm sáng trong “bão” Covid-19 |
Phục hồi xuất khẩu thời hậu dịch
Theo nhận định của các chuyên gia, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD, EVFTA chắc chắn sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường rộng lớn EU, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày…. Đây là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ quyết tâm thúc đẩy nhằm tháo gỡ khó khăn khi mà nền kinh tế đang gánh chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19.
Xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo tăng mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát |
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành, có thể nhu cầu thị trường bị giảm sút. Nhưng khi dịch bệnh đi qua thì nhu cầu có thể tăng lên nhiều, nhất là vào thời điểm EVFTA có hiệu lực thì sẽ là cú hích rất là tốt cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.
Do vậy, theo khuyến cáo, các DN cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp; đồng thời có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tận dụng hình thức quảng bá trực tuyến, kết nối DN trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc.
Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ, Luxembourg mới đây đã đưa ra khuyến cáo, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần tính đến khả năng sản xuất và dự trữ hàng hóa để đến khi điều kiện thuận lợi, lúc đó Việt Nam có sẵn hàng hóa để đáp ứng các đơn hàng từ châu Âu. Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát và EVFTA đi vào hiệu lực thì sẽ giảm bớt yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào châu Âu. Tới khi đó, nếu châu Âu hết phong tỏa thì hàng dệt may – vốn là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA sẽ gặp thuận lợi.
Đáng chú ý, sau cuộc khủng hoảng này, thị trường có thể sẽ có nhiều thay đổi, cả về quy mô các đơn hàng cũng như cách thức vận hành. Dự kiến là cách thức tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu của các DN EU sẽ có những điều chỉnh rất đáng kể, các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam cần lưu ý cập nhật và điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, những ngành ít phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, thí dụ như nông sản, sẽ được hưởng lợi ngay từ khi hiệp định có hiệu lực.
Chấp nhận mất phí ban đầu
Điểm thuận lợi là cơ cấu kinh tế Việt Nam và EU không có sự cạnh tranh trực tiếp mà là cạnh tranh bổ sung. Những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam không phải là thế mạnh của EU và ngược lại. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, các DN Việt Nam phải chịu các chi phí nhất định để điều chỉnh sản xuất. Ví dụ, để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, các DN Việt Nam phải thay đổi về nguồn cung nguyên liệu, từ nước ngoài sang nội địa. Mua từ nội địa thì đắt hơn, nhưng điều đó lại giúp các DN có lợi thế khi xuất khẩu hàng sang EU.
Bên cạnh đó, việc đáp ứng các cam kết, quy định trong EVFTA sẽ dẫn đến sự thay đổi về pháp luật của Việt Nam. Điều này dẫn đến DN Việt Nam có thể sẽ phải chịu thêm các chi phí tuân thủ. “Tuy nhiên, DN cần chấp nhận những chi phí như vậy để thay đổi và tận dụng cơ hội” - bà Trang cho hay.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết thêm, trong quá trình chuẩn bị để Hiệp định đi vào thực thi, một trong những điều kiện quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Với mỗi hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương sẽ ban hành một Thông tư về vấn đề này. Hiện nay thông tư đã được dự thảo, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan để mọi người được biết sớm quy tắc xuất xứ cụ thể như thế nào mới được đi vào thị trường EU.
Theo quy trình thông thường, theo ông Lương Hoàng Thái, phải sau 45 ngày thông tư mới có hiệu lực, nên Bộ Công thương sẽ xin phép để khi hiệp định được thông qua và có hiệu lực thi hành, thông tư được ban hành cũng sẽ có hiệu lực ngay, giúp doanh nghiệp tận dụng ngay lợi ích. Các cơ quan liên quan đang bàn về mặt pháp lý để điều chỉnh về thời gian Thông tư có hiệu lực. “Các Bộ ngành cần chủ động dự thảo văn bản hướng dẫn, đặc biệt như đối với biểu thuế ưu đãi áp dụng cho EU và quy tắc xuất xứ áp dụng với hàng EU vào Việt Nam; các cam kết mua sắm công; hay đấu thầu thuốc thực phẩm..., tránh trường hợp ban hành văn bản muộn sẽ gây khó khăn thực thi”- ông Thái đề nghị.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; tăng 11,12-15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 17,98-21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó. |
Bài III: Hóa giải thách thức nguồn nhân lực