Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa thủy điện Lâm Đồng: Tăng cường quản lý, giám sát đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ |
Ngày 11/6, tại Hà Nội, Cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn KH&CN (Hội đồng) thuộc Bộ KH&CN có cuộc họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, thời gian qua Tập đoàn đã luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về việc quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Hiện 5 công trình thuỷ điện thuộc EVN trên bậc thang thủy điện sông Đà gồm Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình ở trạng thái làm việc ổn định và an toàn, đủ điều kiện tích nước và đón lũ năm 2024. Các thiết bị phục vụ quan trắc làm việc ổn định, cung cấp số liệu đảm bảo trung thực tin cậy, các số liệu địa chấn được thu thập và báo cáo đầy đủ..., đáp ứng yêu cầu đánh giá hiện trạng công trình. Các hư hỏng công trình được kiểm soát và phát hiện kịp thời, sửa chữa đảm bảo chất lượng.
Công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được EVN và các đơn vị thực hiện đầy đủ theo đúng quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, Bộ Công Thương và Tập đoàn.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải báo cáo tại cuộc họp |
Theo ông Ngô Sơn Hải, hiện nay tình hình cung ứng điện ngày càng khó khăn và phức tạp, đặc biệt là khu vực miền Bắc nên để đảm bảo cung ứng đủ điện cho quốc gia, EVN đề xuất Hội đồng có ý kiến với các bộ, ngành, căn cứ dự báo khí tượng - thủy văn thực hiện điều hành hợp lý, linh hoạt các hồ chứa nước trên lưu vực sông Hồng (bao gồm cả các hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà), bảo đảm hài hòa giữa hai mục tiêu trữ nước phát điện trong thời gian cao điểm và phòng, chống lũ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 244/TBB-VPCP ngày 25/05/2024 và văn bản số 3857/VPCP-NN ngày 04/06/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Tại phiên họp, đại diện Viện Địa lý Địa cầu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã báo cáo về kết quả quan trắc động đất liên quan đến các công trình thủy điện trên lưu vực sông Đà từ tháng 4/2023 đến tháng 4/2024; tình hình thủy văn… công tác phối hợp giữa các bên và EVN.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt - Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp |
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến, kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Hội đồng nhận định: EVN và các công ty thuỷ điện thuộc EVN quản lý các thuỷ điện trên dòng sông Đà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình, điều tiết hồ chứa năm 2023 và đầu năm 2024.
Qua các kết quả quan trắc và đo đạc các thông số, đánh giá tình trạng làm việc của công trình đến thời điểm tháng 5/2024, Cơ quan thường trực Hội đồng chấp thuận với kết quả báo cáo của EVN và các công ty thủy điện, đánh giá các công trình đang làm việc an toàn và ổn định. Các công ty đã thực hiện công tác kiểm tra tổng thể, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; sửa chữa và củng cố các hạng mục công trình, thiết bị; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Công trình đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2024.
Cơ quan thường trực Hội đồng đề nghị EVN và các công ty thủy điện tiếp tục thực hiện các công tác: Thực hiện công tác bảo trì thiết bị, đánh giá bồi lắng công trình; ứng dụng KH&CN để hỗ trợ vận hành và đánh giá an toàn của công trình... Đặc biệt, sớm đưa Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà chính thức đi vào hoạt động. EVN tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, báo cáo số trong công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa hàng năm...
Hội đồng cũng thống nhất một số kiến nghị tới các bộ, ngành và đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn, không làm ảnh hưởng đến các đặc trưng kỹ thuật của hồ chứa và làm cản trở dòng chảy đến hồ; tuyên truyền người dân trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất tránh làm tăng bồi lắng và các chất lơ lửng ảnh hưởng đến chất lượng nước của các hồ chứa.