Đại hội cổ đông bất thường Eximbank ngày 15/12 |
Nhiều vấn đề “nóng” của Eximbank đã được cổ đông đề cập và chất vấn tại đại hội như: Kết luận của thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN); nợ xấu và xử lý nợ xấu… và vấn đề đặc biệt quan trọng là vấn đề nhân sự bầu ra HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Về kết luận của thanh tra NHNN, bà Văn Thái Bảo Nhi - Phó tổng giám đốc Eximbank đã trình bày trước các cổ đông về báo cáo khắc phục sau kết luận thanh tra của NHNN. Đối với kết luận thanh tra cổ phần cổ phiếu, Eximbank đã khắc phục xong đưa tỷ lệ của cá nhân xuống dưới 5%; Về việc Eximbank sở hữu chéo cổ phiếu Sacombank (STB), Eximbank đã gửi văn bản cho Sacombank và NHNN đề nghị được chuyển nhượng cổ phiếu STB và hiện Eximbank đang chờ phải hồi từ NHNN…
Để khắc phục và xử lý nợ xấu, trong năm 2015 Eximbank đã bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khoảng 2.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng 404 tỷ đồng, xuất toán lãi dự thu 260 tỷ đồng. Như vậy, dự phòng phải trích thêm là 36 tỷ đồng, lãi dự thu là 11,4 tỷ đồng.
Cũng theo tờ trình gửi đến cổ đông tại ĐHCĐ bất thường, Eximbank đã xin ý kiến cổ đông thông qua một số vấn đề liên quan đến nội dung nêu tại kết luận thanh tra. Cụ thể Eximbank đã bán các bất động sản cho Eximland nhưng lại cho Eximland vay để thực hiện việc mua các bất động sản này và nhập vào hạch toán tăng thu nhập của Eximbank (thực chất đây không phải thu nhập từ HĐKD) đến thời điểm 31/12/2013 là 1.116,67 tỷ đồng. Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2010 đến năm 2013. Về việc này, đến nay Eximbank đã khắc phục được 284,83 tỷ đồng còn 831,83 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa.
Vì vậy về khoản trên 800 tỷ đồng trên, Eximbank trình đại hội đồng cổ đông phương án khắc phục cụ thể xử lý trong thời gian 03 năm từ 2016 – 2018. Đồng thời đại hội đồng cổ đông thống nhất ủy quyền cho HĐQT đề xuất phương án chi tiết trình NHNN trước khi thực hiện và thông báo kết quả thực hiện cho cổ đông.
Trong phần thảo luận, các cổ đông khá bức xúc về hoạt động kinh doanh không hiệu quả, các khoản nợ xấu cao, nhân sự cao cấp cồng kềnh, thù lao cho HĐQT quá lớn của Eximbank. Theo các cổ đông thù lao HĐQT và BKS là 1,5% lợi nhuận sau thuế quá nhiều so với thực tế lợi nhuận của ngân hàng trong khi các cổ đông lại không được chia một đồng cổ tức nào.
Đặc biệt nhiều cổ đông cũng chất vấn về danh sách ứng cử và đề cử vào nhiệm kỳ mới của ngân hàng. Một số cổ đông phản ánh không đồng tình với các nhân sự cũ là ông Đặng Anh Mai và ông Nguyễn Quang Thông tham gia HĐQT mới, hay các ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm – hai đại diện cho hơn 20% số cổ phần có quyền biểu quyết của Eximbank lại không có tên trong danh sách ứng cử lần này.
Trước các chất vấn của cổ đông với các thành viên HĐQT Eximbank - ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục 2 - Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã trả lời cổ đông. Theo ông Dũng cơ quan thanh tra muốn công bố những tồn tại và cá nhân liên quan để cổ đông biết và bầu nhân sự cho phù hợp.
Nợ đọng, nợ xấu, chi phí HĐQT cao khi so với kết quả kinh doanh năm 2014 đạt thấp. Về việc xử lý những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ trong HĐQT việc này thuộc về trách nhiệm cá nhân. Trong đại hội đồng cổ đông bất thường lần này các ứng viên có trong danh sách ứng cử đã được làm đúng quy trình và danh sách ứng viên này phải có ý kiến chấp thuận của NHNN.
Quyền quyết định giới thiệu các ứng viên ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới của Eximbank là do các cổ đông. Song NHNN luôn phải xem xét kỹ và thực hiện theo quy định của pháp luật, vấn đề luôn được NHNN quan tâm nhiều nhất ở Ngân hàng Eximbank chính là vấn đề nhân sự.
Với trả lời rõ ràng trên đây của ông Dũng, chứng tỏ danh sách các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới đã được NHNN xem xét kỹ càng ở nhiều góc độ, đảm bảo an tòan cho họat động của ngân hàng chứ không đơn thuần chỉ là việc nắm giữ bao nhiêu cổ phần!
Ông Phạm Hữu Phú - Tổng giám đốc Eximbank cuối cùng đã thông qua danh sách ứng viên ứng cử vào HĐQT, BKS Eximbank nhiệm kỳ mới. Cụ thể có 8 ứng cử viên cho HĐQT Eximbank gồm: Ông Cao Xuân Ninh được nhóm cổ đông với tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết 11,287% đề cử; Ông Lê Văn Quyết được HĐQT đề cử, không có cổ phần cá nhân cũng như cổ phần của tổ chức mà cá nhân làm đại diện tại ngân hàng, hiện đang giữ chức Giám đốc Vietcombank Biên Hòa; Ông Ngô Thanh Tùng do 5 cổ đông tổ chức nắm tỷ lệ 9,127% và 2 cổ đông cá nhân nắm 1,067% đề cử; Ông Đặng Anh Mai do HĐQT đề cử, không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại ngân hàng; Ông Nguyễn Quang Thông do HĐQT đề cử, không có cổ phần tại Eximbank; Ông Hoàng Tuấn Khải do HĐQT đề cử; Ông Naoki Nishizawa đại diện phần vốn góp của SMBC tại Eximbank với tỷ lệ cổ phần 10,05%; Ông Yasuhiro Saitoh do 3 cổ đông tổ chức đề cử với tỷ lệ cổ phần 10,05%.
Như vậy so với danh sách trước đó, không có tên ông Đặng Phước Dừa, ông Trần Ngô Phúc Vũ, ông Trần Ngọc Tâm và ông Phạm Hữu Phú.
Tại đại hội, kết quả bỏ phiếu chỉ có 0,1% cổ đông không thông qua tờ trình. Như vậy, những tờ trình được đưa ra trong đại hội xét theo tỷ lệ hoàn toàn đã được thông qua. Cụ thể: về nhân sự, 9 người ứng cử thành viên HĐQT được đề xuất trước ĐHĐCĐ đã được thông qua, bao gồm ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng, ông Đặng Anh Mai, ông Nguyễn Quang Thông, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Naoki Nishizawa, ông Yasuhiro Saitoh và ông Lê Minh Quốc là thành viên HĐQT độc lập.
Công bố kết quả bỏ phiếu: 8 thành viên ứng cử HĐQT và 1 thành viên HĐQT độc lập đều được thông qua. Trong đó, tỷ lệ trúng cử cao nhất rơi vào ông Hoàng Tuấn Khải chiếm tỷ lệ 84,53% tổng phiếu bầu. Còn lại, ông Cao Xuân Ninh (65,21%), ông Lê Văn Quyết (62,26%), ông Ngô Thanh Tùng (68,04%); ông Đặng Anh Mai (60,73%); ông Nguyễn Quang Thông (83,64%), ông Naoki Nishizawa (65,66%), ông Yasuhiro Saitoh (65,82%) và ông Lê Minh Quốc (45,76%).
Trong 11 tháng/2015, Eximbank đạt 552 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 55,2% kế hoạch năm.Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 1.724 tỷ đồng, chi phí xử lý nợ xấu đã hạch toán trong năm là 1.172 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến 30/11/2015 giảm 21,15% so với đầu năm còn 127.078 tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 101.280 tỷ đồng, giảm 0,2% so với đầu năm và hoàn thành 80,4% kế hoạch. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 96.053 tỷ đồng, giảm 1,9% so với đầu năm và hoàn thành 88,3% kế hoạch năm. Tổng dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư đạt 84.548 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Nợ xấu 11 tháng ở mức 1.538 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 1,82% trên tổng dư nợ cho vay (năm 2014: 2,46%).