Ghìm cương tỷ giá để kiềm chế lạm phát
Nhiều yếu tố cộng hưởng tới độ “nóng” của tỷ giá
Rời xa mốc 26.000 đồng/USD, giá USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do ngày hôm nay vẫn tiếp đà giảm. Ngày 9/7/2024, giá USD được các ngân hàng thương mại niêm yết tiếp tục giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Cụ thể, giá USD tại Vietcombank được mua chuyển khoản 25.234 đồng và bán ra 25.454 đồng, giảm 1 đồng so với cuối tuần qua; BIDV cũng giảm 1 đồng khi mua vào 25.234 đồng và bán ra 25.454 đồng.
Ghìm cương tỷ giá để kiềm chế lạm phát |
Tương tự, trên thị trường tự do, giá USD giao dịch quanh mức 25.800- 25.870 đồng (mua vào- bán ra), giảm 10 - 20 đồng so với ngày 8/7. Tuy nhiên, dù có giảm nhưng tỷ giá vẫn đang neo ở mức khá cao, cho dù Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái điều hành khá mạnh, lượng tiền hút về cũng khá nhiều nhưng sức nóng của tỷ giá chưa hạ nhiệt, thậm chí cao hơn so với thời điểm cuối tháng 6/2024.
Diễn biến thị trường ngoại tệ và thị trường liên ngân hàng mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cập nhật cho thấy, tuần từ 24-28/6/2024 tỷ giá niêm yết ở mức 25.475 đồng/USD; doanh số giao dịch USD tăng so với thời điểm tuần liền kề trước đó. Cụ thể, ngày 24/6, tỷ giá mua, bán USD/VND niêm yết cuối ngày trên website của Vietcombank ở mức 25.255/25.475 VND/USD, tăng 07 VND/USD so với tỷ giá cuối ngày làm việc cuối tuần trước đó (ngày 21/6). Cuối ngày 28/6, tỷ giá niêm yết ở mức 25.253/25.473 VND/USD, giảm 02 VND/USD so với tỷ giá ngày 24/6.
Đáng nói, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng cả ở đồng Việt Nam và USD. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 1.857.475 tỷ đồng, bình quân 371.495 tỷ đồng/ngày, tăng 57.238 tỷ đồng/ngày so với tuần trước; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 373.794 tỷ đồng, bình quân 74.759 tỷ đồng/ngày, tăng 20.663 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (85% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 01 tuần (8% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 86% và 9%.
Thực tế trên cho thấy, tỷ giá vẫn đang khá “nóng” trên thị trường và áp lực về tỷ giá vẫn còn khá dai dẳng.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, diễn biến 6 tháng đầu năm cho thấy tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,9% với đầu năm do cộng hưởng nhiều yếu tố: đồng USD tăng giá; chênh lệch lãi suất VND-USD giảm so với đầu năm những vẫn ở mức âm (khoảng -1-1,5/năm đối với kỳ hạn qua đêm); nhu cầu nắm giữ vàng vẫn ở mức cao và tình trạng buôn lậu vàng chưa được xử lý triệt để khiến nhu cầu USD tăng, đặc biệt trên thị trường tự do.
Chuyên viên phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo Chiến lược tháng 7 vừa công bố đã cho rằng, áp lực về tỷ giá đến từ nguyên nhân sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì bởi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các ngân hàng trung ương. Thêm vào đó, nhiều nhà kinh tế cho rằng nếu Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed. Và một yếu tố không thể không nhắc tới chính là rủi ro địa chính trị kéo dài dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn.
Phân tích sâu hơn, một chuyên gia tài chính cho rằng, áp lực tỷ giá còn do yếu tố vụ mùa, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thường tăng vào thời điểm 2 quý cuối năm, đặc biệt là cuối quý 3, trước khi Fed chính thức đảo chiều chính sách lãi suất.
VDSC cũng đưa ra con số minh chứng rằng, sau 10 tuần liên tiếp thực hiện bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá (từ 22/4/2024), ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 5,8 tỷ USD để can thiệp, tương đương khoảng 30% mức tiêu hao (cho vấn đề tỷ giá) của năm 2022. Đặc biệt, theo báo cáo của VDSC, riêng trong tháng qua, theo thông tin không chính thức, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bán ra khoảng 1,9 tỷ USD (tương đương 48,3 nghìn tỷ đồng). Quy mô bán ngoại tệ giảm so với tháng 5/2024 và nhu cầu về ngoại tệ có vẻ tăng từ nửa sau của tháng 6. Luỹ kế, đến ngày 03/07, Ngân hàng Nhà nước ước tính đã bán ra khoảng 6,4 tỷ USD (tương đương 162,5 nghìn tỷ đồng).
Nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa
Từ diễn biến của tỷ giá trên thị trường, những tác động của nó không chỉ ảnh hưởng ngay tới các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến tăng chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu cũng như tác động từ chênh lệch tỷ giá mà còn ảnh hưởng tới vĩ mô khi được xem là yếu tố có thể làm tăng lãi suất và tác động tới chỉ số lạm phát.
Theo chuyên gia kinh tế phân tích, ở những tháng tới đây, trong kịch bản vừa để bảo vệ dự trữ ngoại hối, đồng thời ổn định được vấn đề tỷ giá thì không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có một đợt tăng lãi suất điều hành trong quý 3 (dự kiến khoảng 25 – 50 điểm cơ bản). VDSC cho rằng, chênh lệch lãi suất USD và VND tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra, ảnh hưởng của tỷ giá đến lạm phát được xem là tương đối lớn. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong một báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% và lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,75% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (4,74%).
Tuy nhiên trước những rủi ro, thách thức đã được nhận diện thì cũng không thể chủ quan trong điều hành vĩ mô. Ghìm cương tỷ giá để kiềm chế lạm phát, vì thế, luôn là mục tiêu chính sách được quan tâm.
“Nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ” là một trong những giải pháp cần quan tâm, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.