Giá bông làm "chùn bước” các nhà sản xuất hàng may mặc châu Á
Giá bông kỳ hạn tương lai tăng gần gấp đôi lên mức cao nhất trong 11 năm, do giá vận chuyển và nhiên liệu tăng đột biến, đang làm chùn bước các nhà sản xuất hàng may mặc ở châu Á trong khi khách hàng bán lẻ toàn cầu không muốn chịu thêm chi phí.
Các nhà sản xuất hàng may mặc ở châu Á, một trong những nhà tuyển dụng lao động hàng đầu của khu vực, đã phải chịu thua lỗ, với một số đơn vị nhỏ hơn phải tạm ngừng hoạt động, khiến hàng nghìn người mất việc làm, làm suy yếu sự phục hồi sau đại dịch và đặt ra một thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách vốn đang phải chống chọi với lạm phát cao. Để duy trì tính khả thi, một số nhà sản xuất sợi và may mặc thậm chí đang thay thế bông bằng vải tổng hợp rẻ hơn.
Triển vọng không chắc chắn về nhu cầu từ châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng thêm khó khăn cho các nhà sản xuất hàng may mặc ở châu Á - nơi có các nhà xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Bangladesh. Bangladesh xuất khẩu hơn 60% hàng may mặc mà nước này sản xuất sang châu Âu.
Tại Ấn Độ, nhà sản xuất bông hàng đầu thế giới, một số nhà sản xuất may mặc nhỏ đang phải vật lộn để hoàn thành các đơn đặt hàng từ 3 tháng trước, khi giá bông thấp hơn khoảng 1/3 so với mức hiện tại. Hiệp hội Dệt may Ấn Độ cho biết nhiều nhà sản xuất nhỏ đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới. Giá bông của Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi trong một năm sau khi mưa rơi vào vụ thu hoạch.
Giá toàn cầu tăng 70% trong giai đoạn này, lên mức cao nhất kể từ năm 2011 vào tháng 5, với các nhà phân tích dự đoán sẽ tăng nhiều hơn trong bối cảnh hạn hán thiệt hại đối với sản lượng ở nhà xuất khẩu hàng đầu Mỹ và sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc khi việc kiềm chế Covid-19 được nới lỏng. Hiệp hội kéo sợi Nam Ấn Độ cho biết tại miền nam Ấn Độ, nơi chiếm phần lớn hàng dệt mayxuất khẩu của nước này, các nhà máy kéo sợi hồi tháng 5 đã quyết định ngừng sản xuất sợi và thu mua bông thô.
Việc ngừng hoạt động là khó khăn đối với các công nhân trong ngành vì nhiều người đã thất nghiệp trong thời gian Covid ngừng hoạt động. Gần 40% các nhà máy ở đây đã phải đóng cửa vì họ không đủ khả năng tài chính. Hàng nghìn người trong khu vực đã mất việc vào tháng 5. Các nhà sản xuất hàng may mặc châu Á, cũng tính cả Walmart và Nike trong số các khách hàng của họ, phụ thuộc nhiều vào châu Âu và Mỹ để xuất khẩu hàng may sẵn.
Trong khi nhu cầu tăng trong quý đầu tiên sau đại dịch, các biện pháp hạn chế của Trung Quốc và giá nhiên liệu cao hơn trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã kìm hãm đà tăng. Chi phí vận chuyển đã tăng gấp bốn lần so với mức trước đại dịch và các thương hiệu toàn cầu không phải chịu thêm chi phí. Các nhà sản xuất đang chịu gánh nặng. Để cắt giảm chi phí, một số nhà máy đang sử dụng nhiều sợi tổng hợp hơn, có thể có giá 0,60 USD - 1 USD một pound so với 1,4 USD cho bông thô.
Nhưng sự hoán đổi này có những hạn chế do các cam kết trong hợp đồng để cung cấp một chất lượng vải nhất định. Những người trong ngành nói rằng chi phí khó có thể sớm giảm bớt. Giá tăng ngay cả khi các đợt đóng cửa làm ảnh hưởng đến nhu cầu từ Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 1/3 tiêu thụ bông toàn cầu, và chúng sẽ tăng cao hơn nữa khi nước này tiếp tục mua. Tuy nhiên, hiện tại, nhu cầu của Trung Quốc rất ảm đạm.
Một nhà kinh doanh tại Trung Quốc cho biết, các đơn vị dệt may đang phải kiểm kê lượng sợi và vải tồn kho trong gần một tháng, so với 10-15 ngày thông thường. Khoảng 400.000 tấn bông Tân Cương đang được sử dụng mỗi tháng, bằng một nửa mức của năm trước. Nhưng với sự kết thúc của việc khóa cửa nghiêm ngặt ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc, vào lúc 16:00 chiều GMT ngày 31/5, những người trong ngành bắt đầu nhận thấy nhu cầu được cải thiện. Thời tiết nóng ở Texas, nơi chiếm hơn 40% sản lượng của Mỹ, cũng sẽ tạo ra một luồng gió cho giá bông. Điều này cuối cùng có thể làm tăng giá hàng may mặc, làm tăng thêm áp lực lạm phát.