Giá thép hôm nay 17/5: Giá thép tiếp đà tăng Giá cổ phiếu bật tăng nhờ lãi suất tiền gửi giảm |
Cổ phiếu ngành thép thuộc ngành mang tính chất chu kỳ dựa trên cung cầu của thị trường theo từng giai đoạn. Theo dự báo của Công ty chứng khoán SSI, triển vọng của ngành thép trong năm 2024 về lợi nhuận có khả năng phục hồi mạnh dù định giá đã ở mức cao. Dự báo này dựa trên phân tích về nhu cầu thép sụt giảm mạnh trong năm 2023 và khả năng hồi phục trong 2024.
Giá cổ phiếu ngành thép có “cửa lên” trong năm 2024? |
Cụ thể tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước năm 2023 đã chứng kiến sự sụt giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, tôn mạ và ống thép lần lượt giảm 13,5%, 6% và 0,9% trong 11 tháng/2023 so với cùng kỳ đạt lần lượt là 9,73 triệu tấn, 3,81 triệu tấn và 2,22 triệu tấn. Tình hình năm 2023 khá giống năm 2012, thời điểm nhu cầu thép xây dựng cũng giảm khoảng 7% so với cùng kỳ do tăng trưởng GDP giảm tốc và thị trường bất động sản đóng băng.
Bóc tách theo kênh tiêu thụ, sản lượng nội địa của thép xây dựng, tôn mạ và ống thép trong 11 tháng của năm 2023 đều giảm 11,3%, 4,9% và 8,6% so với cùng kỳ lần lượt đạt 8,17 triệu, 1,81 triệu và 1,94 triệu tấn. Trong khi đó, kênh xuất khẩu có sự trái chiều khi sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm 23,3% so với cùng kỳ từ mức cao kỷ lục trong năm 2022, trong khi sản lượng tiêu thụ tôn mạ phục hồi đáng kể 16,8% so với cùng kỳ đạt 2 triệu tấn nhờ mức nền thấp trong nửa cuối năm 2022.
Trong năm 2024, theo Hiệp hội thép Việt Nam, số liệu của Tổng cục thống kê và phân tích của SSI cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thép năm 2024 có thể phục hồi, đặc biệt là tại thị trường nội địa. Cụ thể kênh nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi đầu tiên vào cuối năm 2023 khi sản lượng tiêu thụ từ tháng 9 đến tháng 11 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước sau khi giảm 20% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu 2023. Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn.
Khối lượng xuất khẩu trong năm 2024 có thể duy trì tăng trưởng nhờ triển vọng nhu cầu cầu toàn cầu tích cực: Theo hiệp hội thép thế giới, nhu cầu thép thế giới dự kiến sẽ tăng 1,9% trong năm 2024 so với 1,8% trong năm 2023. Nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm 2024 sau khi giảm 1,8% trong năm 2023. Trong đó nhu cầu từ các nước ASEAN (trừ Việt Nam) dự kiến sẽ tăng 5,2% trong năm 2024, cao hơn mức 3,8% trong năm 2023.
Theo phân tích của SSI, sản lượng xuất khẩu sẽ cải thiện trong quý đầu tiên, do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ, Châu âu so với giá thép ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Ngoài ra, Châu Âu kiểm soát chặt hơn việc nhập thép bán thành phẩm do Nga sản xuất trong năm 2024 cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép của Việt Nam sang châu Âu. Đáng chú ý trong năm 2023 xuất khẩu thép của Việt Nam đã thể hiện khả năng cạnh tranh rất tốt trong bối cảnh xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh.
Về giá thép có thể đã chạm đáy trong năm 2023 và cải thiện trong năm 2024 do cung cầu cân bằng hơn. Cụ thể sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc trong 11 tháng 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ đạt 952 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu xét theo tháng, sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc gần như liên tục giảm từ mức đỉnh 95,7 triệu tấn trong tháng 3/2023 xuống còn 76,1 triệu tấn trong tháng 11/2023 do nhu cầu yếu và chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong khi biên lợi nhuận của các công ty thép đã giảm xuống mức thấp.
Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc sụt giảm cũng khiến sản lượng toàn cầu giảm từ 165 triệu tấn trong tháng 3 xuống còn 145,5 triệu tấn trong tháng 11/2023. Tồn kho thép ở Trung Quốc đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây, giúp giảm áp lực dư cung trên toàn cầu trong thời gian sắp tới.
Về biên lợi nhuận của các công ty thép có thể đã chạm đáy trong thời gian qua và sẽ phục hồi trong 2-3 năm tới. SSI dự báo và kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt là của thép Hòa Phát (HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG), và biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích, mức tăng trưởng lợi nhuận ngành thép có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn nhiều khả năng biến động. Vì vậy cổ phiếu thép thường phù hợp với nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao.
Về rủi ro có thể xảy ra cho cổ phiếu ngành thép trong năm 2024 chính là nhu cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và biên lợi nhuận thấp hơn dự kiến do chi phí đầu vào tăng hoặc giá thép sụt giảm. Tuy nhiên với những phân tích trên đây rất ít khả năng lợi nhuận của công ty thép tiếp tục sụt giảm trong năm tới.
Giá cổ phiếu thép tăng trung bình 58% trong năm 2023, cao hơn 46% so với chỉ số VN Index. Giá cổ phiếu thép thường được định giá cao ở thời kỳ đáy lợi nhuận. Ngoài ra, cổ phiếu thép cũng được ưa chuộng trong những năm gần đây khi được coi là cổ phiếu có hệ số beta cao. |