Vào sáng sớm ngày 4/3, giá dầu thô WTI tăng nhẹ 1,16% lên 109,31 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,09% lên 110,51 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm, được cho là do thông tin Mỹ và Iran gần hoàn tất một thỏa thuận có thể đưa hơn một triệu thùng dầu/ngày (tương đương khoảng 1% nguồn cung toàn cầu) trở lại thị trường.
Bên cạnh đó, ông Rafael Grossi - người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dự kiến sẽ thăm Tehran vào ngày 5/3 trong nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Nhưng lượng dầu có thể bổ sung của Iran cho thị trường không thể khỏa lấp được sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Giám đốc điều hành Jarand Rystad của Rystad Energy dự báo, “giá dầu có khả năng tiếp tục tăng lên hơn 130 USD/thùng".
Thị trường ghi nhận phiên giao dịch biến động mạnh, với giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm vào đầu phiên do lo ngại về cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, hàng loạt các biện pháp cấm vận mới đối với Nga. Hiện, xuất khẩu dầu của Nga đang ở mức 4 - 5 triệu thùng/ngày, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Arab Saudi.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các công ty đang tránh xa nguồn cung của Nga và cạnh tranh nguồn cung ở nơi khác. Giá dầu toàn cầu càng được đà tăng khi có thông tin rằng một nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu của Ukraine bị cháy sau một cuộc tấn công của quân đội Nga.
Trước đó, giá dầu Brent đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 là 119,84 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI chạm 116,57 USD/thùng - mức “đỉnh” trong vòng 14 năm qua.
Theo dự báo của Ngân hàng Khối thịnh vượng chung, giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 110 USD/thùng trong quý 2 và quý 3 năm nay. Tuy nhiên, “có khả năng giá sẽ tăng cao hơn dự báo của chúng tôi trong ngắn hạn. Thậm chí không có gì bất hợp lý nếu giá dầu Brent có thể tăng đến mốc 150 USD trong tương lai” - đại diện ngân hàng này cho biết.
Theo các chuyên gia phân tích, dù các quan chức phương Tây không trực tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung dầu và khí đốt của Nga, trên thực tế, lĩnh vực dầu mỏ vẫn bị tác động không nhỏ. Cũng trong ngày 3/3, một gói trừng phạt mới được Nhà Trắng công bố nhắm mục tiêu “xuất khẩu công nghệ” trong lĩnh vực lọc dầu, khiến Nga khó hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu của mình.
Trong khi đó Canada cho biết nước này sẽ xóa bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga và Belarus.
Được biết, giá dầu Brent đã tăng gần 25% kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine vào ngày 24/2.