Ngày 22/7, theo nguồn tin của Vuasanca , UBND tỉnh Gia Lai thông tin, sau 16 năm thực hiện dự án chuyển đổi hơn 50.000 ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Dự án được thực hiện vào giai đoạn năm 2008-2011, đã có 25.000 ha trong tổng số 50.000 ha rừng được phá, san ủi để chuyển sang trồng cây cao su.
Trong giai đoạn này, tỉnh Gia Lai đã thực hiện được 44 dự án giao cho 16 doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Pa. Trong 25.000 ha cao su này, năm 2018 (sau 10 năm), Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông vào Gia Lai đã xác định diện tích 12.000 ha cây cao su bị chết, kém phát triển.
Đến thời điểm hiện tại, diện tích cao su sinh trưởng bình thường là hơn 9.000 ha, diện tích kém phát triển đã tăng hơn 14.000 ha và diện tích cao su bị chết gần 2.500 ha.
Hiện có hơn 25.000 ha rừng được Gia Lai chuyển đổi sang trồng cao su. (Ảnh: Hồng Phong) |
Nguyên nhân được chỉ ra là do lập địa rừng khộp biến động mạnh, đất đai thổ nhưỡng không phù hợp; tầng đất canh tác chỉ có độ sâu khoảng 50cm, thành phần cơ giới là đất cát hoặc đất cát pha thịt… bị bí chặt, chỉ đủ điều kiện để rễ cọc phát triển trong 2-3 năm đầu, đến những năm sau cây không phát triển được, chết do không phát triển rễ cọc qua tầng sét và bị úng, không thoát nước vào mùa mưa.
Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang trồng cây lâm nghiệp khác hoặc trồng các loài cây nông nghiệp.
Hơn 12.000 ha cao su sau khi chuyển đổi kém phát triển và bị chết. (Ảnh: Hồng Phong) |
Trước đó, vào năm 2022, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi 12.000 ha cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác, xây dựng đề xuất cụ thể; báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền phương án xử lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Hiện tỉnh này đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với doanh nghiệp, địa phương liên quan, các nhà khoa học…,triển khai đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình chuyển đổi hơn 50.000 ha rừng trồng cao su để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về việc chuyển đổi 50.000 ha rừng tỉnh Gia Lai cho hay, dự án thực hiện trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật, các quy định của pháp luật có nhiều thay đổi. Hiện chưa có hướng dẫn, chỉ đạo đánh giá toàn diện của dự án. Sau hơn 5 năm triển khai, vẫn chưa có mô hình chuyển đổi nào được đánh giá là thành công và phù hợp để có thể nhân rộng trên địa bàn. Một số mô hình chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp (cây Tếch), trồng cây ăn quả lâu năm (cây xoài, cây điều)... Do chu kỳ sinh trưởng, thu hoạch các loài cây này khá dài, nên theo tỉnh việc đánh giá mức độ thành công cần thời gian dài.