Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII Các địa phương khu vực phía Bắc phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công |
Kết quả tích cực nhưng vẫn còn vướng mắc
Tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII, các địa phương đưa ra nhiều đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương |
Hà Nam là một trong những địa phương được ghi nhận triển khai tốt công tác khuyến công, chia sẻ tại Hội nghị, ông Hoàng Chí Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam, cho hay: Hàng năm Sở Công Thương triển khai thực hiện các đề án khuyến công từ nguồn khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hỗ trợ 13-15 đề án, gần 20 doanh nghiệp thụ hưởng, tổng nguồn kinh phí hàng năm hoảng 5-6 tỷ đồng.
“Đặc biệt, Hà Nam là một trong số ít tỉnh được hỗ trợ phê duyệt đề án khuyến công quốc gia điểm trong ngành may mặc. Qua thực tế triển khai, có thể đánh giá đề án này đã phát huy rất tốt hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy “vốn mồi” cho phát triển sản xuất, nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường”, ông Dũng thông tin.
Ông Hoàng Chí Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam |
Đại diện cho Cao Bằng, ông Đỗ Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng cũng khẳng định: Chính sách khuyến công đã tác động mạnh mẽ đến sức phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Giai đoạn từ năm 2012 - 2022, Cao Bằng đã tổ chức triển khai thực hiện 7/9 nội dung hoạt động khuyến công với 99 đề án với tổng kinh phí là 18,421 tỷ đồng.
Các nội dung được triển khai khá đa dạng, gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
“Công tác khuyến công của tỉnh Cao Bằng luôn bám sát mục tiêu, nội dung chương trình khuyến công từng giai đoạn, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế của địa phương”, ông Linh nói.
Ông Linh cũng đồng thời cho hay: Hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, giúp cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giúp cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công từ Trung ương đến địa phương đã từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác khuyến công, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và doanh nghiệp về khuyến công.
Ông Đỗ Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng |
Với Thái Nguyên, trong những năm qua Sở Công Thương Thái Nguyên đã chỉ đạo Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên xây dựng nhiều đề án mang tính chiến lược như: Đề án về chế biến nông sản; sản xuất cơ khí phục vụ công nghiệp nông thôn; chế biến lâm sản...
Hoạt động khuyến công luôn gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần tăng giá trị của các loại nông, lâm sản. Tập trung phát triển những ngành nghề có lợi thế so sánh, kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ tiên tiến. Đầu tư nâng cao chất lượng phát triển các mặt hàng phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Đặc biệt với Thái Nguyên, chương trình khuyến công đã góp phần củng cố thương hiệu “chè Thái Nguyên” thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến chè đầu tư máy móc, chương trình khuyến công đã giúp các đơn vị nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cũng như giá trị và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều năm qua, tỉnh thường xuyên có các cơ sở có sản phẩm chè được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia…
Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại... các địa phương cũng đồng tình ghi nhận tác động quan trọng của công tác khuyến công tới phát triển công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong khu vực.
Dù vậy, qua thực tế triển khai đại diện các tỉnh, thành phố cũng phản ánh còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thời gian phê duyệt và triển khai đề án khuyến công; định mức kinh phí hỗ trợ cho các đề án; tổ chức bộ máy đơn vị thực hiện công tác khuyến công; đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách khuyến công; quy mô đề án còn nhỏ và phân tán… Các địa phương cùng đề xuất Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên nhằm thuận lợi hơn trong triển khai công tác khuyến công.
Chung tay gỡ vướng, tuân thủ các quy định pháp luật
Phát biểu kết luật Hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, nhận định: Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc được tổ chức thường niên. Năm nay, Hội nghị được triển khai sớm hơn thường lệ nên một số đánh giá với hoạt động khuyến công năm 2024 chưa thực sự sát. “Năm 2023, công tác khuyến công ghi nhận đạt hiệu quả tích cực, đạt tỷ lệ giải ngân cao”, ông Trung nhấn mạnh.
Trong đó, nguồn ngân sách bố trí cho chương trình khuyến công của các địa phương tăng cao hơn so với năm trước, việc huy động thêm nguồn lực bổ sung cho công tác khuyến công được các tỉnh, thành phố tích cực thực hiện.
“Những năm gần đây, sản xuất công nghiệp của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc ngày một phát triển và chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Trong kết quả đó, có sự góp sức của công tác khuyến công”, ông Trung nhận định.
Trước những hạn chế được các địa phương phản ánh, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cho rằng, các đơn vị chức năng thuộc Cục phối hợp cùng địa phương quan tâm tháo gỡ.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh: Để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát chương trình, kế hoạch chương trình khuyến công năm 2024. Với những đề án đã được giao kinh phí đề nghị rà soát về tính khả thi, có phát sinh cần báo cáo ngay với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Đồng thời, bắt tay chuẩn bị kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2025.
Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khuc vực phía Bắc lần thứ XVIII năm 2024 |
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về hoạt động khuyến công tạo động lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhanh và bền vững. Thực hiện nghiêm túc thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công.
Tăng cường rà soát, đánh giá toàn diện đối với các quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, tập trung nghiên cứu góp ý chất lượng đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công của Bộ Công Thương.
Rà soát quy phạm pháp luật và tổ chức bộ máy khuyến công. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khuyến công. Với nội dung tư vấn phát triển công nghiệp, đề nghị các địa phương lưu ý, rà soát, chấn chỉnh các hoạt động cho đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định.
Các địa phương, đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế chính sách đối với hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp, thương mại góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp. Chú trọng tăng cường các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan thuộc Bộ quan tâm hơn hỗ trợ cho các địa phương triển khai thuận lợi và hiệu quả hoạt động khuyến công.